Liên hợp quốc nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu

Các cuộc đàm phán được khởi động trở lại trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.
Liên hợp quốc nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu ảnh 1Khí thải phát ra từ một nhà máy gần Darlton, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên kể từ năm 2019 và sau khi hàng loạt quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới đưa ra những cam kết mạnh hơn về trung hòa khí thải, Liên hợp quốc đã nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu từ ngày 31/5 theo hình thức trực tuyến.

Các cuộc đàm phán được khởi động trở lại trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.

Các cuộc đàm phán này, thông thường do chương trình biến đổi khí hậu Liên hợp quốc chủ trì ở thành phố Bonn của Đức, đều là đàm phán không chính thức, không dẫn tới những quyết định mang tính ràng buộc.

[Khẳng định đóng góp của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu]

Tuy nhiên, trong bối cảnh giới khoa học không ngừng cảnh báo về tốc độ ấm lên toàn cầu đã vượt xa những tính toán trong kế hoạch ứng phó tốt nhất mà con người đặt ra, các nhà đàm phán sẽ đối mặt với sức ép phải hành động mạnh mẽ hơn để đạt tiến bộ trong giải quyết một số vấn đề gai góc nhất.

Năm 2018, các quốc gia đã nhất trí nhiều khía cạnh trong hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, giám sát cách mỗi nước triển khai các biện pháp để đảm bảo các cam kết đã đưa ra.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa được thống nhất, trong đó có các quy định về tính minh bạch, về thị trường carbon và một khung thời gian thống nhất cho các quốc gia hoàn thiện các cam kết về cắt giảm khí thải.

Một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán gần đây của Liên hợp quốc là điều khoản 6 trong Hiệp định Paris, liên quan hoạt động trao đổi tín dụng carbon.

Hiện nay, cả quốc gia mua và quốc gia bán tín dụng carbon đều có thể kê khai một dự án trong danh sách hành động vì khí hậu của mỗi quốc gia, tức là xảy ra tình trạng một nỗ lực cắt giảm một lượng khí thải được ghi nhận 2 lần.

Việc thống nhất về các quy định để tránh việc thống kê lượng giảm khí thải 2 lần như vậy hiện là một vấn đề gây cản trở chính.

Hội nghị COP26 theo kế hoạch diễn ra trong năm 2020 nhưng phải lùi tới năm 2021 vì đại dịch COVID-19. Vì vậy, các vấn đề cần giải quyết và tính cấp bách cũng cao hơn trong hội nghị lần này.

Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến khôn lường, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển vốn dễ chịu tác động nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu, các nhà đàm phán tại Bonn sẽ cần phải đạt những tiến triển cụ thể trong 3 tuần đàm phán.

Tuy nhiên, việc đàm phán được tổ chức theo hình thức trực tuyến được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục