Lộ trình sử dụng cát nhân tạo làm vật liệu san lấp: Vẫn còn xa vời!

Theo Bộ Xây dựng, khuyến khích sử dụng cát nhân tạo là cần thiết song hiện chưa có lộ trình sử dụng tỷ lệ cát nhân tạo làm vật liệu san lấp trong công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Lộ trình sử dụng cát nhân tạo làm vật liệu san lấp: Vẫn còn xa vời! ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)

Cho rằng việc sử dụng cát nghiền nhân tạo là cần thiết, mới đây, cử tri tỉnh Lào Cai đã đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cát nhân tạo làm cơ sở sử dụng trong thiết kế, thi công, quản lý chi phí đầu tư, quản lý chất lượng công trình; cũng như quy định lộ trình việc bắt buộc sử dụng tỷ lệ cát nhân tạo làm vật liệu san lấp trong các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, trả lời kiến nghị cử tri, đại diện Bộ Xây dựng lại cho rằng hiện chưa có lộ trình sử dụng tỷ lệ cát nhân tạo làm vật liệu san lấp trong công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công, do tỷ trọng cốt liệu nghiền chưa đáp ứng tiêu chuẩn...

Sử dụng cát nghiền nhân tạo là cần thiết...

Thông tin thêm về vật liệu cát nhân tạo nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cát nghiền nhân tạo, Bộ này đã biên soạn, chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về cát nghiền cho bêtông và vữa; tiêu chuẩn về chỉ dẫn kỹ thuật chọn thành phần bêtông sử dụng cát nghiền.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang chỉ đạo nghiên cứu xây dựng các cấp phối vữa xây, trát, bêtông thông dụng và sử dụng cát nghiền phuc vụ xác định chi phí xây dựng công trình, dự kiến hoàn thành năm 2021.

[Vi phạm xây dựng tại TP.HCM: Đừng để “gạo nấu thành cơm” rồi mới xử lý]

Về đinh mức sử dụng cát nghiền nhân tạo, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng cát nghiền nhân tạo trong xây dựng là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9/6/2017 của Chính phủ. Trong đó đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương, giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Thực hiện theo chủ trương trên, ở một số địa phương đã có các doanh nghiệp tham gia đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất cát nghiền nhân tạo nhưng việc sản xuất, sử dụng cát nghiền ở mức độ chưa phổ biến trên toàn quốc. “Thực tế cũng đã có một số địa phương xây dựng định mức cấp phối bê tông, cấp phối vữa sử dụng cát nghiền, bột đá như Hà Giang, Quảng Ninh,...” đại diện Bộ Xây dựng thông tin.

... nhưng tỷ trọng cốt nghiền còn kém

Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cũng lưu ý do công nghệ sản xuất cát nghiền hiện chưa đồng bộ, các địa phương đa số còn sử dụng thiết bị lạc hậu nên tỷ trọng cốt liệu nghiền chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Do đó, ảnh hưởng đến việc xác định định mức cấp phối đối với cát nghiền nhân tạo để ban hành áp dụng chung.

Lộ trình sử dụng cát nhân tạo làm vật liệu san lấp: Vẫn còn xa vời! ảnh 2Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Vì thế, để phục vụ công tác quản lý và xây dựng định mức cấp phối sử dụng cát nghiền nhân tạo, các địa phương có nhu cầu sử dụng cát nghiền nhân tạo phổ biến căn cứ phương pháp xác định định mức, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn và tổ chức xây dựng định mức cho các công việc đặc thù của địa phương có sử dụng cát nghiền theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Về lộ trình sử dụng tỷ lệ cát nhân tạo làm vật liệu san lấp trong công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đại diện Bộ Xây dựng cho biết hiện chưa có lộ trình sử dụng tỷ lệ cát nhân tạo làm vật liệu san lấp trong công trình này.

Theo văn bản số 2274/VPCP-CN Ngày 25/3/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019 về việc nghiên cứu; đề xuất ban hành cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng cát nhân tạo, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp tại các công trình xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đưa ra các mục tiêu, giải pháp để khuyến khích đầu tư sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục