Lừa đảo nhằm vào trường học: Cảnh giác nhưng không hoang mang

Trước việc liên tục diễn ra các vụ lừa đảo nhằm vào trường học trong thời gian gần đây, lãnh đạo các trường, ngành giáo dục cũng như đại diện Bộ Công đề nghị người dân cảnh giác nhưng không hoang mang
Lừa đảo nhằm vào trường học: Cảnh giác nhưng không hoang mang ảnh 1(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, liên tục xuất hiện các vụ lừa đảo nhằm vào trường học, đối tượng cụ thể là học sinh, phụ huynh. Các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường đã lập tức phát đi nhiều cảnh báo khi nhận được thông tin phản ánh từ phụ huynh nhưng các chiêu trò lừa đảo ngày càng biến tướng.

Liên tục thay “chiêu”

Sáng 28/3, một số đối tượng đã thực hiện phát nước ngọt, bánh kẹo miễn phí cho học sinh trước cổng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (phường 2, thành phố Đà Lạt). Dù nhà trường đã can thiệp ngay khi phát hiện nhưng vẫn có hai học sinh bị đau bụng phải thăm khám vì trót ăn thực phẩm này.

Trước đó, ngày 24/3, một học sinh lớp 12 của trường Trung học phổ thông Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) đang đứng trước cổng trường thì có người lạ đến tự xưng là bạn của bố em, báo bố nam sinh bị tai nạn và bảo em lên xe để chở đến bệnh viện thăm bố trong khi bố em đã mất.

Ngày 23/3, một phụ huynh của Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) bị đối tượng lạ gọi điện thông báo con mua mỹ phẩm nợ 5 triệu đồng và yêu cầu phụ huynh thanh toán.

Ngày 22/3, 31 học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (tỉnh Đắk Lắk) bị ngộ độc sau khi nhận bóng bay do 4 người lạ phát miễn phí ở cổng trường.

Ngày 16/3, hàng chục phụ huynh ở Thái Nguyên cho biết đã nhận được cuộc gọi của người lạ thông tin con bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện, cần chuyển tiền gấp.

Chiêu lừa “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” xuất hiện đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối tháng Hai, sau đó lan ra Hà Nội, Đà Nẵng. Theo thông tin từ các địa phương, số tiền các đối tượng lừa đảo được từ phương thức này lên đến trên một tỷ đồng. Trong đó riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh là trên 800 triệu đồng.

Cảnh giác nhưng không hoang mang

Ngay sau những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đầu tiên xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã ngay lập tức phát đi thông tin cảnh bảo tới tất cả các phụ huynh học sinh ở các nhà trường trên địa bàn.

Tương tự, lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương cũng đã có những phản ứng nhanh chóng ngay sau khi xuất hiện các tình trạng lừa đảo xảy ra trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị phụ huynh không chuyển tiền cho người lạ và phải kiểm tra lại thông tin với giáo viên. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đề nghị các trường thường xuyên kiểm tra trước cổng và thông báo với yêu cầu học sinh tuyệt đối không nhận thực phẩm từ người lạ. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cảnh báo phụ huynh và học sinh về các nguy cơ tiềm ẩn ngoài cổng trường.

[Chuyên gia an ninh mạng nói gì về chiêu lừa gọi điện 'con cấp cứu'?]

Bên cạnh việc cảnh báo, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cũng đề nghị phụ huynh không nên hoang mang và cần phối hợp tốt với nhà trường trong việc kết nối thông tin, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là các kỹ năng nhận biết và xử lý tình huông trước các mối nguy hiểm.

Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, những vấn đề trước cổng trường khá phức tạp do ngoài phạm vi của nhà trường. Vì thế, thời gian tới bên cạnh việc yêu cầu các trường tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, sở cũng sẽ đề nghị sự vào cuộc của chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm ở khu vực này. Từ đó góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các mối nguy hiểm có thể xảy ra ở phạm vi ngoài trường học.

Chia sẻ về những vụ lừa đảo gần đây, Trung tá Triệu Mạnh Tùng (Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) cho biết Bộ Công an đã cảnh báo về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có các thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lực lượng công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua đó phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng là chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình trên, lực lượng công an khuyến cáo người dân chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh đồng thời bảo mật các thông tin cá nhân.

Cũng theo ông Tùng, khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ và nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn và báo với cơ quan chức năng khi nghi ngờ là hoạt động lừa đảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục