Mở rộng hoạt động viễn thám thực địa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Năm 2020, Cục Viễn thám quốc gia tập trung vào việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quản lý, ứng dụng viễn thám trên phạm vi cả nước.
Mở rộng hoạt động viễn thám thực địa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch công tác năm 2020 của Cục Viễn thám quốc gia ngày 9/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chỉ đạo Cục Viễn thám quốc gia tăng cường mở rộng các hoạt động viễn thám trên thực địa, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và ứng dụng công nghệ viễn thám đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Trần Tuấn Ngọc, trên cơ sở thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao năm 2019, năm 2020 Cục Viễn thám quốc gia tập trung vào việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quản lý, ứng dụng viễn thám trên phạm vi cả nước; rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực; xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám tới các tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua các đề án, dự án nhiệm vụ chuyên môn; hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược viễn thám tại các bộ, ngành, địa phương.

Cục Viễn thám quốc gia trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 1 Thông tư và 3 tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về viễn thám; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 187/2016 ngày 8/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn phí quản lý, sử dụng, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đề án thuộc "Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2040," ban hành kèm theo Quyết định số 149/2019 ngày 1/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu và đề xuất xây dựng quy trình cung cấp dữ liệu viễn thám, xây dựng dịch vụ công về viễn thám, hướng dẫn về xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ứng dụng viễn thám tại bộ, ngành, địa phương.

[Bộ Tài nguyên đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển viễn thám quốc gia]

Bên cạnh đó, Cục hoàn thiện các định mức kinh tế-kỹ thuật của lĩnh vực viễn thám, tiến tới xây dựng bộ đơn giá của lĩnh vực để phục vụ cho việc khai thác, sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia và ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Cục thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; triển khai nhiệm vụ Đề án đặc thù chuyên môn thường xuyên "Ứng dụng viễn thám giám sát thường xuyên phục vụ các lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường."

Cục tiến hành rà soát kết quả thực hiện của các đơn vị, để kịp thời điều chỉnh đảm bảo phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Cục và đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên và môi trường của Bộ; vận hành bộ chỉ số đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị thuộc Cục.

Từ đó, Cục xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của từng bộ phận trong bộ máy, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ, các quy chế; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể để hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đảm bảo thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch, chức năng nghề nghiệp theo vị trí việc làm và các kỹ năng xử lý công việc; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ.

Mặt khác, Cục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đầu tư công "Tăng cường năng lực giám sát tài nguyên môi trường cho Cục Viễn thám quốc gia tại 79 Văn Tiến Dũng-Hà Nội"; phối hợp với đối tác Ấn Độ triển khai dự án ASEAN-Ấn Độ "Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh."

Đồng thời, Cục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực triển khai một số dự án với Ấn Độ, các nước ASEAN, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga,, Italy...

Cục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đổi mới và nâng cao chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành kỷ luật kỷ cương, lề lối làm việc của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.

Cục Viễn thám quốc gia đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các lĩnh vực trong việc gắn kết, lồng ghép nhiệm vụ ứng dụng trong các đề án, dự án chuyên môn; hỗ trợ Cục tham gia các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ để nghiên cứu, triển khai, đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; tạo cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Bộ có thể sử dụng công nghệ viễn thám thay thế các công nghệ truyền thống, góp phần tăng chất lượng, hiệu quả và giảm chi phí.

Hướng dẫn Cục thực hiện quy trình rà soát, đánh giá, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, lĩnh vực viễn thám và các lĩnh vực khác có liên quan; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và đánh giá tác động văn bản quy phạm phát luật.

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Trần Tuấn Ngọc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân đã đạt thành tích xuất sắc trong năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục