Mưa lớn, giông lốc xảy ra trong đêm gây nhiều thiệt hại ở Phú Thọ

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho biết trước mắt địa phương tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để khắc phục hậu quả do mưa giông gây ra.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thăm hỏi, động viên một gia đình ở xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thăm hỏi, động viên một gia đình ở xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho biết từ đêm 8/5 đến rạng sáng 9/5, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm 3 người bị thương, thiệt hại nhiều tài sản, nhà cửa và hoa màu của người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, tại xã Phú Lạc và Hương Lung, huyện Cẩm Khê, mưa giông đã là ba người bị thương.

Tại huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn…, mưa to kèm giông lốc đã làm hơn 1.000 ngôi nhà, trường học bị tốc mái, hư hỏng nặng; gần 400ha lúa và hoa màu bị ngập úng; một cột thông tin bị đổ gãy…

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo các huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương bị ảnh hưởng do mưa giông đã xuống hiện trường kiểm tra, thống kê thiệt hại, đồng thời huy động các đoàn thể trong khu dân cứ hỗ trợ các hộ bị thiệt hại di dời tài sản, dọn dẹp và sửa chữa, lợp lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống...

[Thái Nguyên: Mưa dông gây nhiều thiệt hại, một số trường phải nghỉ học]

Tại buổi kiểm tra thực tế tại huyện Cẩm Khê vào sáng 9/5, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho biết trước mắt địa phương tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để khắc phục hậu quả do mưa giông gây ra.

Những ngôi nhà của dân và trường học bị thiệt hại nặng, chính quyền huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an xã cùng với nhân dân khẩn trương khắc phục thiệt hại lợp lại mái, sửa chữa và khắc phục hư hỏng.

Đối với diện tích rau màu bị ngập úng, sau khi nước rút phải tập trung chăm sóc, khôi phục sản xuất từng bước ổn định sản xuất, đời sống.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cho nhân dân để tránh xảy ra thiệt hại nặng về tài sản và nguy hiểm đến tính mạng.

Các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, vật lực; có lực lượng thường trực đảm bảo ứng cứu khi xảy ra sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục