Ngày 6/11, chính quyền Mỹ đã quyết định gia hạn Quy chế Bảo vệ tạm thời (TPS), vốn giúp người di cư các nước Trung Mỹ và một số nước khác khỏi bị trục xuất, song sẽ sớm chấm dứt chương trình này.
Theo các quan chức của Chính phủ Mỹ, TPS sẽ được gia hạn theo từng các nước. Cụ thể, chương trình này có hiệu lực đến tháng 7/2018 đối với khoảng 86.000 người Honduras, trong khi đó khoảng 5.300 người di cư Nicaragua sẽ tiếp tục ở lại Mỹ thêm 1 năm, cho đến tháng 1/2019, sau khi chương trình này hết hạn vào đầu tháng 1/2018.
Những người này đã được cấp quy chế bảo vệ tại Mỹ sau khi bão Mitch đổ bộ vào khu vực Trung Mỹ năm 1999.
TPS được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1990 và đã nhiều lần được gia hạn sau khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên khác.
Hiện tại, TPS đang bảo vệ tới 300.000 người thuộc 9 quốc gia. Giới chức Mỹ nhấn mạnh việc chấm dứt TPS đối với người di cư là một phần trong nỗ lực siết chặt làn sóng di cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
[Ông Trump tuyên bố hủy chương trình cấp thẻ xanh thông qua quay xổ số]
Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Elaine Duke cho biết việc ngừng TPS là điều bắt buộc vì những nước trên đã khắc phục được hậu quả bão Mitch gây ra.
Tuy nhiên, theo bà, quyết định gia hạn TPS thêm 1 năm đối với người di cư Nicaragua là để tạo điều kiện cho nhóm người này thu xếp hồi hương hoặc làm thủ tục đăng ký nhập cư.
Riêng đối với nhóm người di cư Honduras, Bộ An ninh nội địa Mỹ cần có thêm thời gian để có quyết định cuối cùng về chương trình này.
Một số nghiệp đoàn đã phản đối quyết định trên của chính quyền Mỹ và cho rằng việc chấm dứt TPS sẽ không chỉ gây tác động lớn đối với hàng trăm nghìn gia đình người di cư tại Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này do đây là lực lượng lao động dồi dào.
Tuy nhiên, một quan chức của chính quyền Mỹ cho rằng TPS hết hiệu lực không có nghĩa toàn bộ người di cư, trừ những đối tượng tội phạm hoặc bị chỉ định, phải rời khỏi Mỹ.
Theo quan chức này, Washington có thể ủng hộ nỗ lực của Quốc hội tìm kiếm giải pháp lâu dài đối với người di cư./.