Ngày 30/5, Mỹ lên tiếng kêu gọi "ngừng ngay lập tức và trong thời gian dài" hoạt động bồi lấp trái phép tại Biển Đông, và nói rằng cách cư xử của Trung Quốc trong khu vực này đã "vượt ra khỏi" các thông lệ quốc tế.
"Trước hết, chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình cho tất cả các tranh chấp. Để đạt được điều đó, cần phải ngừng ngay lập tức và trong thời gian dài hoạt động bồi lấp của tất cả các bên," Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại một hội nghị an ninh cấp cao ở Singapore.
"Chúng tôi cũng phản đối bất kỳ hoạt động quân sự hóa nào đối với các khu vực tranh chấp," ông này nhấn mạnh.
Bộ trưởng Carter nói thêm rằng với những hành động của mình ở Biển Đông, "Trung Quốc đã vượt quá các luật lệ và thông lệ quốc tế."
Kêu gọi này được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ, ngày 29/5, cho biết đã phát hiện hai pháo cỡ lớn trên một trong những hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trong khi đó, một quan chức quốc phòng yêu cầu giấu tên khác đã mô tả những khí tài này là loại pháo tự hành.
Vụ việc trên, vốn được Mỹ phát hiện cách đây ít nhất vài tuần, đã củng cố những quan ngại hiện nay về việc Bắc Kinh có ý đồ lợi dụng những dự án xây dựng đảo trái phép trên Biển Đông vì các mục đích quân sự.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 28/5, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam và quốc tế về các vấn đề báo chí quan tâm.
Cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc xây dựng hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc.
Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.”/.