Mỹ sẽ lại áp đặt trừng phạt nếu Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân

Thượng viện Mỹ vừa nhất trí thông qua một đề xuất sửa đổi không mang tính ràng buộc tạo điều kiện để áp đặt trừng phạt trở lại Iran trong trường hợp nước này vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Mỹ sẽ lại áp đặt trừng phạt nếu Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn những sửa đổi của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mark Kirk. (Nguồn: chicagonow.com)

Trong phiên bỏ phiếu ngày 26/3, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một đề xuất sửa đổi không mang tính ràng buộc tạo điều kiện để áp đặt trừng phạt trở lại Iran trong trường hợp nước này vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Với toàn bộ 100 phiếu thuận, viện Quốc hội này đã phê chuẩn những sửa đổi của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mark Kirk, theo đó đề xuất thành lập một nguồn quỹ để phục vụ cho việc trừng phạt Iran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân tạm thời hiện đang có hiệu lực cũng như trong thỏa thuận cuối cùng mà các bên đang kỳ vọng đạt được trước tháng Bảy tới.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ phía Quốc hội Mỹ khi ngày càng có nhiều nghị sỹ đòi có tiếng nói trong thỏa thuận với Iran.

Hồi tuần trước, 360 nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ đã đồng ký thư gửi chính quyền của Tổng thống Obama đòi dành cho Quốc hội tiếng nói lớn hơn trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức).

Hiện Mỹ đang ráo riết đẩy nhanh các cuộc đàm phán với hy vọng ký được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran trước ngày 31/3 để ba tháng còn lại sẽ đi vào thảo luận các điều khoản chi tiết của hiệp định cuối cùng. Tuy nhiên, nỗ lực của Washington lại vấp phải sự phản đối từ cả trong vào ngoài nước.

Cũng trong phiên họp ngày 26/3, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua một loạt các đề xuất sửa đổi nhằm xây dựng một dự thảo ngân sách.

Các thượng nghị sỹ đã đề xuất hơn 600 sửa đổi, liên quan tới nhiều nội dung gây tranh cãi từ kiểm soát súng đạn, chế độ nghỉ ốm tới cắt giảm khí thải nhà kính.

Mặc dù các kết quả bỏ phiếu này không mang tính ràng buộc, song được các nghị sỹ Đồi Capitol coi là một cách để gửi đi các thông điệp chính trị của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục