Ngày 1/10, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi tiến trình hòa bình Trung Đông sụp đổ do cuộc xung đột tại Dải Gaza hồi tháng Tám vừa qua.
Cuộc trao đổi diễn ra trong bầu không khi thẳng thắn và hai nhà lãnh đạo đã có những quan điểm trái chiều liên quan đến hai vấn đề chính là các dự án tái định cư mới của Israel và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Washington quan ngại sâu sắc trước những các báo cáo nói rằng chính phủ Israel đang tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây 2.600 căn nhà tái định cư ở "những vùng nhạy cảm" thuộc Đông Jerusalem.
Theo ông, Nhà nước Do Thái sẽ gửi đi một "thông điệp rắc rối" nếu tiếp tục đeo đuổi các dự án mở rộng tái định cư, trái ngược với mục tiêu tuyên bố trước đó của chính nước này về mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài với Palestine.
Ông Josh Earnest nhấn mạnh hành động của Israel chỉ khiến Tel Aviv hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế, thậm chí đẩy nước này ngày càng rời xa các đồng minh gần gũi nhất và "đầu độc không khí" trong quan hệ với Palestine cũng như với các quốc gia Arab trong khu vực.
Trong khi Tổng thống Obama bày tỏ quan ngại về vấn đề tái định cư, Thủ tướng Israel lại gây sức ép và đưa ra cảnh báo về hướng đàm phán giữa Iran với các cường quốc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Ông Obama cho rằng, Iran đang tìm kiếm một thỏa thuận cho phép nước này phát triển năng lượng hạt nhân trong khi vẫn được (phương Tây) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông Netanyahu bày tỏ hy vọng, với vai trò là nước trung gian, Mỹ sẽ không để điều này xảy ra vì tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu.
Thủ tướng Israel nhấn mạnh việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là mục tiêu quan trọng của cả ông và Tổng thống Obama, và điều này "còn khẩn thiết hơn" chiến dịch quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay.
Đáp lại, Tổng thống Obama chỉ cho biết các vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) để chứng minh mục đích dân sự của Tehran đang được tiến hành.
Bên cạnh hai vấn đề chính nói trên, cuộc đàm phán song phương còn đề cập đến cuộc chiến chống IS do Washington dẫn đầu. Thủ tướng Netanyahu bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Mỹ trong cuộc chiến này.
Trước khi bước vào cuộc hội đàm song phương kéo dài 2 giờ ở phòng Bầu dục của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp báo chung. Trong đó, nhà lãnh đạo Mỹ tái khẳng định quan hệ "không thể phá vỡ" giữa hai nước, đồng thời hối thúc các bên tìm cách thức thay đổi nguyên trạng quan hệ Israel-Palestine nhằm trước mắt ngăn chặn các cuộc xung đột đổ máu, và lâu dài là để người dân Israel và Palestine cùng sinh sống yên bình./.