Năm Canh Dần lan man chuyện về ông Ba Mươi

Cọp thường sống từng cặp với địa bàn riêng nên nếu có con lạ xâm phạm vào địa bàn, chúng có thể cắn nhau đến náo loạn cả khu rừng.
Theo các công trình nghiên cứu của các nhà sinh vật học thì hổ hay cọp là loài động vật to khỏe.

Loài này có đặc điểm là đầu to tròn, cổ ngắn, tai nhỏ ngắn, bốn chân chắc khỏe, móng sắc nhọn, đuôi dài bằng nửa thân. Da cọp màu vàng, có vằn đen, phía bụng và phía trong chân có lông trắng.

Một con cọp trung bình nặng 150-200kg, thân dài 1,5-2m, đuôi dài 1m. Riêng cọp Đông Bắc Trung Quốc có thể nặng tới 300kg.

Cọp là một loài động vật đặc trưng ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á - quê hương của loài cọp.

Ngày xưa, đất nước ta từ Bắc chí Nam, vùng nào cũng có dấu vết của loài cọp.

Nổi tiếng nhất là cọp Cây Cày, cọp Đồng Bò, cọp Bến Khế, cọp Đồng Trăng, cọp Rù Rì và cọp Hòa Tân (tên các giống cọp gắn liền với những địa danh ở Khánh Hòa).

Điều này cũng được nhà sinh vật Leon Bertin xác nhận trong cuốn sách “Đời sống các loài vật." Và có lẽ vì thế mà dân ta vẫn truyền tụng câu ví “cọp Khánh Hòa-ma Bình Thuận” để nói về số lượng cũng như độ dữ tợn, nguy hiểm của nó.

Cọp ở Việt Nam trung bình nặng từ 100-120kg, dài khoảng 1,6m, cao khoảng 1m. Cọp thường sống từng cặp (con đực-con cái) với địa bàn riêng. Nếu có con cọp lạ xâm phạm vào địa bàn, chúng có thể cắn nhau đến náo loạn cả khu rừng.

Cọp mang thai trong vòng hơn 100 ngày, đẻ mỗi lứa từ 2 đến 5 con nhưng thường chỉ vài con sống sót. Trong thực tế, suốt đời, một con cọp cái cho chừng đôi ba con sống đến tuổi trưởng thành. Tuổi thọ của loài này chỉ chừng 15-30 năm.

Người Việt Nam thời trước có thói quen cho trẻ con đeo móng cọp để ngừa bệnh tật hay dán hình cọp trước cửa vào dịp Tết  Nguyên đán nhằm đuổi ma quỷ.

Thế giới văn minh của con người ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa ngày càng mở rộng. Điều đó đồng nghĩa với việc rừng rú-giang sơn, đất sống của hổ cũng ngày càng bị thu hẹp. Theo thống kê của các nhà khoa học, hiện nay, trên thế giới chỉ còn vỏn vẹn 5.000 con hổ.

Đứng trước nguy cơ diệt vong, hổ đã được thế giới xếp vào loại động vật quý hiếm cần được bảo vệ đặc biệt./.
Trịnh Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục