Năm học mới tại TP.HCM: Chuyển đổi hình thức dạy và học phù hợp

Lãnh đạo ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận việc dạy và học trực tuyến ngay thời điểm đầu năm học sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là với học sinh đầu cấp.
(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong tình hình hiện nay, học sinh Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu năm học mới 2021-2022 bằng hình thức học trên môi trường Internet ngay từ tháng 9. 

Được xem là giải pháp tối ưu, tuy nhiên lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố cũng thừa nhận việc dạy - học trực tuyến ngay thời điểm đầu năm học sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là với học sinh đầu cấp.

Tổ chức dạy học trực tuyến

Trước mắt, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh cho đến hết học kỳ I. Trong đó, bậc tiểu học bắt đầu tổ chức lớp từ ngày 8/9, đến ngày 20/9 chính thức học chương trình năm học mới.

Còn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông bắt đầu năm học mới từ ngày 1/9, đến ngày 6/9 sẽ chính thức học chương trình năm học. Riêng giáo dục mầm non do đặc thù phải đến trường trực tiếp nên sẽ tổ chức học sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh của địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện, thành phố Thủ Đức báo cáo Sở xem xét tổ chức dạy trực tiếp cho một số đối tượng học sinh, ưu tiên lớp nhỏ và cuối cấp. Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, thành phố sẽ tính toán tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình, kết quả học tập.

Có con vào học lớp 1, chị Nguyễn Thị Hiền (quận Gò Vấp) chia sẻ, lường trước được khả năng thành phố sẽ học trực tuyến, một tháng nay, chị đã cùng con tập làm quen với chữ để con không bỡ ngỡ trước khi vào năm học mới. Mặc dù vậy, chị Hiền cũng rất lo lắng con sẽ khó tiếp cận được chương trình với hình thức học này.

Cùng chung nỗi lo lắng như chị Hiền, chị Thanh Nhàn (Quận 3) chia sẻ, khoảng thời gian làm quen đầu năm là rất quan trọng với học sinh, nhất là với các em mới vào lớp 1 như con của chị khi chưa biết đọc, viết, chưa có kỹ năng học tập.

Do đó, phụ huynh phải kèm cặp sát sao, hỗ trợ các con học, tuy nhiên do không có phương pháp, kỹ năng sư phạm nên việc này rất khó với phụ huynh. Nếu các con không tiếp thu được kiến thức sẽ rất khó bắt nhịp với chương trình học khi trở lại trường học.

Với nhiều phụ huynh, một vấn đề phát sinh nếu triển khai học trực tuyến đó là thiếu trang thiết bị, máy móc, đường truyền Internet... Nhiều phụ huynh cho biết, từ trước đến nay, gia đình không có nhu cầu, thậm chí không có điều kiện để mua máy tính, điện thoại thông minh, nhà không lắp đặt hệ thống Intenet nên cũng đành chịu chứ không biết làm sao để cho con học.

Chưa hết, nếu có muốn đi mua máy, rồi lắp đặt đường truyền Internet cũng không kịp vì các nơi cung cấp hầu hết đã đóng cửa, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

[Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đại học linh hoạt xác nhận nhập học]

Ở góc độ nhà trường, thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) cho rằng, việc tổ chức dạy trực tuyến đã thực hiện nhiều trong thời gian qua, do vậy cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đã được làm quen, dần thích ứng nên các em có thể bắt nhịp tốt.

Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm học, nhất là với học sinh lớp 6 vừa chuyển cấp lại học chương trình, sách giáo khoa mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhà trường cũng đưa ra các giải pháp như tổ chức lớp trực tuyến để giáo viên trao đổi, hướng dẫn kỹ lưỡng cho các em về phương pháp học, giới thiệu trường lớp...; trao đổi, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ các em học tập tại nhà. Thực tế năm học trước ở lớp tiểu học các em cũng đã học trực tuyến, dù phương pháp học ở bậc học mới có khác nhưng khi được hướng dẫn các em sẽ tiếp cận nhanh.

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức) cho rằng, việc triển khai dạy và học trực tuyến ngay đầu tháng 9 là phù hợp nhằm đảm bảo chương trình, khung thời gian chung.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong triển khai dạy học trực tuyến là ở bậc tiểu học, nhất là các em lớp 1, lớp 2, đặc biệt khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Ở bậc học trung học phổ thông thuận lợi hơn do lứa tuổi các em có thể tự học và đã quen với việc học trực tuyến trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh.

Với các em lớp 11, 12, nhà trường đã biên chế lớp, cấp tài khoản học trực tuyến cho học sinh. Còn học sinh 10 mới tuyển sinh, sau khi các em nộp hồ sơ nhập học, nhà trường sẽ xếp lớp và tổ chức sinh hoạt trực tuyến đầu năm để ổn định lớp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trước đây, dạy và học trực tuyến được xem là một giải pháp tình thế thì nay ngành xác định đây là phương thức dạy và học ổn định trong năm học 2021-2022. Hiện nay, ngành Giáo dục thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tài nguyên dạy học khá phong phú đáp ứng yêu cầu cho công tác dạy-học trong năm học mới.

“Việc học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, lớp 2 là khó khăn. Xác định như vậy nên chúng tôi đã có giải pháp, kế hoạch. Trong đó, Sở tập huấn đầy đủ cho giáo viên, xây dựng các clip để học sinh xem, phụ huynh theo dõi hỗ trợ thêm. Về nội dung giảng dạy sẽ cô đọng, tập trung vào kiến thức cơ bản nhất để học sinh học trực tuyến không dàn trải, không quá tải,” ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Hỗ trợ học sinh “mắc kẹt” ở địa phương

Từ khi dịch diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thị Dịu (thành phố Thủ Đức) đã gửi 2 con về quê với ông bà, nay không kịp trở lại thành phố để bắt đầu năm học mới. Chị Dịu cho biết, các con đều còn nhỏ, học bậc tiểu học nên chưa có kỹ năng tự học. Trong khi đó, ông bà đã lớn tuổi lại không thành thạo về công nghệ nên việc hỗ trợ các con học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi trở lại trường lớp, các con sẽ rất khó khăn trong việc bắt nhịp chương trình học.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, gia đình chị cũng không còn cách nào khác ngoài việc mong cho dịch sớm được kiểm soát để đón con trở lại thành phố. Chị Dịu đã mua sách giáo khoa để gửi về quê cho các con học.

Năm học mới tại TP.HCM: Chuyển đổi hình thức dạy và học phù hợp ảnh 1Do dịch COVID-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, nhiều học sinh đã phải di chuyển về các địa phương cư trú. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Do dịch COVID-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, nhiều học sinh đã phải di chuyển về các địa phương cư trú, nhiều gia đình gửi con về quê mà không kịp trở lại trường học để bắt đầu năm học mới.

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức) cho rằng, chủ trương hỗ trợ tiếp nhận học sinh học tập trong thời gian chưa về lại nơi học chính thức là rất cần thiết và kịp thời đảm bảo quyền lợi của các em, để phụ huynh, học sinh an tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn đơn giản thủ tục, hồ sơ chuyển trường, tuy nhiên việc giải quyết tiếp nhận sẽ tùy vào điều kiện của mỗi địa phương, do liên quan tới cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... Mặt khác, việc chuyển đến “học tạm” trong thời gian chống dịch sau đó chuyển về trường cũ sẽ tạo tâm lý e ngại trong phụ huynh. Do đó, với Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai học tập trực tuyến là một thuận lợi vì các em có thể tham gia học tập mà không phải thực hiện chuyển trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên tinh thần, chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở sẽ trao, phối hợp với các địa phương để tiếp nhận, tạo điều kiện cho các em đang ở các địa phương có chỗ học khi chưa thể trở lại thành phố.

Ở những địa phương tổ chức học trực tiếp, Sở sẽ thực hiện thủ tục chuyển trường tạm cho các em được đến trường nếu học sinh có nhu cầu. Nếu phụ huynh muốn chuyển trường luôn cho con học tại địa phương đó, trước mắt, Sở sẽ tạo hồ sơ điện tử cho các em và chuyển hồ sơ chính thức sau khi tình hình ổn định.

Ngược lại, với những học sinh đang “kẹt” lại ở thành phố không về tỉnh được, thành phố sẽ tạo điều kiện, bố trí cho các em học trực tuyến như học sinh của thành phố nếu có nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục