Năm nhà khoa học nữ nhận giải thưởng L'oreal-UNESCO 2017

Chương trình giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L'Oreal-UNESCO đã trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu tiềm năng.

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L'Oreal-UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu tiềm năng của Việt Nam năm 2017.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh cho biết hành trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi ở những người đam mê nhiều sự hy sinh, công sức và thời gian theo đuổi những nghiên cứu cống hiến cho ích lợi cho nhân loại.

Với những nhà khoa học nữ, hành trình này sẽ đặc biệt vất vả, khó nhọc hơn bởi họ còn phải hoàn thành trách nhiệm gia đình bên cạnh những đam mê nghiên cứu khoa học...

Hai nhà khoa học nữ được trao tặng Giải thưởng Khoa học Quốc gia năm 2017 L'Oréal Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược-Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế; Tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân thiện môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài được vinh danh vì đã tìm ra những nguyên liệu để làm thuốc từ nguồn dược liệu Y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm nguồn thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già...

Một trong những nghiên cứu nổi bật của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài đó là nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pa​ko Vân Kiều ở miền Trung Việt Nam theo hướng tác dụng chống oxy hoá, diệt tế bào ung thư.

Công trình nghiên cứu này đã tìm ra hai cây dược liệu quý là Bù Dẻ Tía và Mán Đỉa có tác dụng ức chế tế bào ung thư chống oxy hoá tốt.

Đây là những dược liệu quý của đồng bào dân tộc thiểu số, được nhà khoa học kiên trì thu thập, phân tích và sàng lọc để chứng minh thành phần khoa học cũng như đặc tính sinh học của cây thuốc, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến oxy hoá.

Tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân thiện môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được vinh danh về những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu Na​no.

Các sản phẩm mà ​tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành được đánh giá có tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người.

Các sản phẩm đã được sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các nghiên cứu của ​tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung mang tính ứng dụng lớn, có thể ứng dụng trong các loại sản phẩm như băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường, dung dịch vệ sinh phụ nữ...

Cùng được vinh danh trong khuôn khổ của giải thưởng khoa học L’Oreal-UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học là ba nhà nghiên cứu trẻ được trao học bổng Nhà nghiên cứu Khoa học trẻ tài năng (L’Oreal National Fellowship) bao gồm​ tiến sỹ Trần Phương Thảo, Giảng viên bộ môn hoá học, trường Đại học Dược Hà Nội; Tiến sỹ Hoàng Thị Đông Quỳ, Trưởng Bộ môn Vật liệu Polymer và Composite, Khoa khoa học và Công nghệ Vật liệu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sỹ Nguyễn Thị Lệ Thu, Khoa Công nghệ Vật liệu, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nhà khoa học trẻ này được vinh danh bởi những đóng góp của họ trong các nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng qua việc tìm ra những hiểu biết mới và hướng đi mới từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước để hỗ trợ điều trị Alzheimer là căn bệnh gây ra hội chứng suy giảm trí nhớ, diễn biến trầm trọng theo thời gian và ảnh hưởng toàn bộ tới các chức năng não bộ; bên cạnh đó còn có nghiên cứu về vật liệu chế tạo silicon thông minh có khả năng "nhớ hình" và "tự lành" ứng dụng làm vật liệu y sinh cấy ghép và màng phủ tự làm lành vết xước.

Ngoài những nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng, các nhà khoa học còn có nghiên cứu tổng hợp thành công polymer nanocomposite có tính chất nhiệt cao, có khả năng chống cháy tốt, nhằm ứng dụng trong xây dựng và giao thông vận tải.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục