Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trong giai đoạn phát triển mới

Tổng cục Quản lý đất đai sẽ xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng; bảo đảm sử dụng hiệu quả đất đai.
Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trong giai đoạn phát triển mới ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại Việt Nam, giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2020-2025 là những giai đoạn quan trọng trong công tác tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và tác động to lớn của chính sách, pháp luật đất đai đối với đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai đã và đang chỉ đạo ráo riết Tổng cục bám sát các quan điểm, định hướng của các Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai 2013, để tham mưu về việc xây dựng, ban hành các văn bản đi kèm với Luật Đất đai, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Xác định những nhiệm vụ, định hướng lớn

Ông Lê Thanh Khuyến, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai đề ra một số nhiệm vụ định hướng lớn như: Tiến hành tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai; tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai chỉ đạo Tổng cục xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng; bảo đảm nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái; tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về quy hoạch, giá đất và hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại.

[Lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050]

Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai yêu cầu Tổng cục đề xuất các giải pháp để đảm bảo sự quản lý thống nhất từ cấp Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; hoàn thiện cơ chế, quy định cụ thể trong việc thực hiện phân cấp quản lý đất đai nhằm quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về đất đai

Theo Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tập trung chỉ đạo, lãnh đạo Tổng cục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai thông qua việc tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, bài bản, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về chính sách đất đai; tổng kết, đánh giá sâu rộng và toàn diện Luật Đất đai năm 2013 để làm cơ sở cho việc hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục sẽ hoàn thiện các chính sách liên quan đến đất đai theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu của thực tiễn, nhằm tạo động lực mới cho xã hội phát triển; đẩy mạnh tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai sẽ chỉ đạo Tổng cục chú trọng việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các điểm nóng, các vấn đề bức xúc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm.

Theo đó, thanh tra, kiểm tra phải đi liền với xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và người đứng đầu tổ chức để xảy ra sai phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục sẽ đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đổi mới sắp xếp việc sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội...

Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai chỉ đạo Tổng cục từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến; hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả; tập trung xây dựng và hoàn thiện sớm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu; thiết lập hệ thống, theo dõi đánh giá nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành quản lý đất đai đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn, vị trí việc làm; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục