Ngày 5/11, tại Tp.Hồ Chí Minh, Abbott – công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu đã giới thiệu với báo chí một nghiên cứu mới giúp nâng cao nhận thức về thiếu hụt dinh dưỡng tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị đã được kiểm chứng giúp ngăn chặn tình trạng này.
Trên thế giới, cứ ba người nhập viện thì có ít nhất một người bị suy dinh dưỡng và tình trạng này thậm chí càng trầm trọng hơn khi họ xuất viện.
Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Toản, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, tại Việt Nam, theo ước tính có đến 78% bệnh nhân nội trú đang ở trong tình trạng dinh dưỡng kém hoặc thiếu hụt dinh dưỡng, gây ra tác động tiêu cực đến hiệu quả và chi phí điều trị.
Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chỉ tập trung điều trị mà có xu hướng bỏ qua khâu chăm sóc dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe.
Bác sỹ Ravinder Reddy, chuyên gia tư vấn đặc biệt khoa Ngoại tiêu hóa – Tổng hợp, Bệnh viện Care, Ấn Độ nhận định: Khi không được theo dõi và quan tâm đúng mức, thiếu hụt dinh dưỡng sẽ gây ra hệ quả khiến sức khỏe bị phá hủy – điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao, quá trình điều trị kéo dài, tái nhập viện thường xuyên, tăng chi phí điều trị và nguy cơ tử vong.
Tiến sĩ Fei Li, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm dinh dưỡng của Abbott tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết, theo một nghiên cứu gần đây, việc áp dụng bổ sung dinh dưỡng bằng đường uống cho bệnh nhân nội trú giúp giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí cho mỗi lần điều trị và giảm tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày.
Abbott kêu gọi các cán bộ y tế trên toàn thế giới cùng hành động, nâng cao nhận thức và giảm tỷ lệ thiếu hụt dinh dưỡng thông qua việc tạo ra một lộ trình chăm sóc dinh dưỡng lâm sàng đơn giản, có thể thực hiện ở bất kỳ cơ sở y tế nào, ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Ông Jullian Caillet, Tổng giám đốc Abbott Việt Nam cam kết sẽ không ngừng mang đến các giải pháp chăm sóc sức khỏe dựa trên nền tảng khoa học nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của người Việt Nam./.