Nâng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ: Tốt gỗ phải tốt cả nước sơn

Không chỉ đưa ra chất lượng tốt, để nâng cao chuỗi giá trị, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cần phải đổi mới về bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Nâng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ: Tốt gỗ phải tốt cả nước sơn ảnh 1Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đã có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua với sự xuất hiện tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Canada..., nhưng để nâng cao chuỗi giá trị, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới, tập trung hơn nữa cho việc nâng cao mẫu mã sản phẩm.

Đây cũng là mục tiêu được đưa ra tại "Lễ ký kết biên bản ghi nhớ và Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam", do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức sáng 5/12, tại Hà Nội.

[Giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Hội chợ quốc tế ở Italy]

Mới chỉ chú trọng đến chất lượng

Ông Nguyễn Anh Hiếu, đại diện Công ty Mây tre xuất khẩu Trúc Sơn cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn bị động trong vấn đề thiết kế sản phẩm và để xuất khẩu sản phẩm của mình, công ty vẫn phải nhận các thiết kế từ nước ngoài về để sản xuất theo ý của họ.

Khó khăn đầu tiên là về ý tưởng, ông Hiếu cho biết, bản thân doanh nghiệp không có nhiều ý tưởng và chủ yếu nhận từ nước ngoài.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không có điều tra cụ thể về ngành hàng của mình tại thị trường nước ngoài và khả năng để đáp ứng nguồn thông tin về nhu cầu ​tiêu dùng lại càng hạn hẹp.

"Tôi mong muốn hiểu thêm các xu hướng thiết kế mẫu mã mới trên thế giới qua đó có thể khoác một tấm áo mới cho chính sản phẩm của mình và đáp ứng yêu cầu của khách hàng tốt hơn," ông Hiếu nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiểu công nghiệp của Việt Nam tăng dần qua các năm đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như góp phần kéo giảm khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, dù có sự vượt bậc trong thời gian vừa qua góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách thu nhập thành thị và nông thôn nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng đã xuất hiện nhiều yếu tố cản trở doanh thu, cũng như sự phát triển của ngành.

Nói rõ hơn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đến những yếu kém của khâu thiết kế sản phẩm, theo đó, từ mẫu mã đến hính thức của bao bì vẫn chưa tạo ra được những đột phá và đang là yếu tố chính cản trở giá trị gia tăng của sản phẩm thủ công nghiệp.

"Nhiều năm nay chúng ta vẫn cho rằng tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhà sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam quan tâm rất nhiều đến chất lượng của sản phẩm hàng hóa và không mấy khi quan tâm đến thiết kế sản phẩm đó cũng như thiết kế bao bì của sản phẩm đó," lãnh đạo Bộ Công Thương nói.

Nâng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ: Tốt gỗ phải tốt cả nước sơn ảnh 2Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tư duy phải thay đổi

Hiện nay, các mặt hàng mây tre lá, gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Anh…

Dù vậy, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cần phải thay đổi tư duy qua đó có thể thích ứng với sự thay đổi của thị trường và xu thế hội nhập.

Nhấn mạnh thêm, Thứ trưởng Trần Quốc Khắnh cho rằng, "sản phẩm của Việt Nam cần phải tốt gỗ và tốt cả nước sơn" và theo ông, đây sẽ là điểm nhấn để tạo ra sự thành công của doanh nghiệp.

Dưới góc độ cơ quan nhà nước, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, hiện Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với KOICA và các đối tác Hàn Quốc triển khai dự án nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp xây dựng Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc thông qua các hoạt động nâng cao năng lực thiết kế và kết nối giữa các doanh nghiệp thiết kế Việt Nam với các nhà thiết kế trong và ngoài nước.

"Dự án này sẽ thành lập và vận hành kênh thương mại để hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc. Hy vọng triển khai thực hiện dự án này sẽ đem lại nhiều kết quả thiết thực nâng cao năng lực thiết kế cũng như năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp trong ngành tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Chia sẻ thêm ý kiến tại hội thảo, về phía chuyên gia, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc Công ty Nielsen Việt Nam cũng nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Bằng những hình ảnh trực quan, sinh động, tạo sức hút cho khách hàng, theo chuyên gia này, khâu thiết kế bao bì sản phẩm cần có sự đột phá và cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cho người tiêu dùng.

"Khâu thiết kế bao bì giúp cho người tiêu dùng cảm thấy sử dụng dễ dàng hơn, cung cấp thông tin nhiều hơn và đem lại sự tiện lợi cho khách hàng," bà Hà chia sẻ thêm./.

Trong khuôn khổ hội thảo hôm nay đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOI) giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) nhằm hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục