Ngành hàng tiêu dùng nhanh xuất hiện nhiều tín hiệu vui vào cuối năm

Theo dự báo của các chuyên gia thương mại, thị trường hàng tiêu dùng nhanh được kỳ vọng sẽ đạt kết quả cao hơn vào cuối năm với sức mua được đánh giá sẽ tăng cao trong cả nước.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh xuất hiện nhiều tín hiệu vui vào cuối năm ảnh 1(Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Theo dự báo của các chuyên gia thương mại, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được kỳ vọng sẽ đạt kết quả cao hơn vào cuối năm ​nay với sức mua được đánh giá là sẽ tăng cao cả ở thành thị lẫn nông thôn.

Thống kê từ ngành bán lẻ cho thấy, sau mức cao kỷ lục trong quý 1 vừa qua (9,6%), thị trường hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại trong quý ​2 vừa qua đạt 5,8%, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng.

Kết quả này dựa vào mức đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ.

Đáng lưu ý, tại 6 ngành hàng lớn như nước uống (bao gồm bia), thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá đều đạt mức tăng trưởng dương trong quý 2 ​vừa qua.

Cụ thể, ngành hàng thực phẩm và ngành hàng sữa, các sản phẩm từ sữa cùng đạt mức tăng 8,1%, sản phẩm chăm sóc nhà cửa đạt 5,7%, ngành hàng đồ uống đạt 5,4%, sản phẩm chăm sóc cá nhân 5%...

Đặc biệt, ngành hàng đồ uống vẫn là ngành hàng có mức đóng góp cao nhất trong tổng doanh số thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở mức 42%. Tiếp đó là mặt hàng thực phẩm, thuốc lá và sữa đóng góp vào tổng doanh số lần lượt khoảng 16%, 15% và 14%.

Nhận định từ giới phân tích cho hay, nếu như khu vực thành thị chỉ dừng ở mức tăng 5,1% trong quý 2 vừa qua, khu vực nông thôn lại cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đạt đến 6,5%.

Sự tăng trưởng của khu vực nông thôn đã đóng góp 57,5% vào tổng doanh số bán của ngành hàng tiêu dùng nhanh. Điều này cho thấy khu vực nông thôn tiếp tục là vùng đất tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất.

Hơn nữa, với sự đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa, cửa hàng bách hóa (quy mô vừa) đã giúp các doanh nghiệp dẫn đầu về tăng trưởng thị trường và tăng thêm thị phần không chỉ ở thành thị 4 thành phố lớn mà chiếm lĩnh cả khu vực nông thôn.

Ngoài ra, siêu thị và đại siêu thị tiếp tục cho thấy tầm quan trọng bằng cách mở rộng phạm vi tiếp cận, thu hút nhiều người tiêu dùng cũng góp phần mang tới những chuyển biến tích cực hơn trong năm nay nhất là với ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Cũng theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa, việc truy cập Internet dễ dàng hơn cũng như sự phát triển của điện thoại thông minh đã và đang thay đổi lối sống của người tiêu dùng tại khu vực nông thôn.

Ngạc nhiên hơn là người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong muốn được trải nghiệm với cuộc sống có chất lượng tốt hơn, mà còn chủ động tìm kiếm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có chất lượng cao.

Không những thế, niềm tin người tiêu dùng tăng là tiền đề duy trì đà tăng trưởng của nhóm ngành hàng tiêu dùng. Cùng với đó, tài chính tiêu dùng cũng góp phần thúc đẩy doanh số các mặt hàng tiêu dùng và giá trị tiêu dùng có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, khả năng tiếp tục tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh có thể kỳ vọng vào cuối những tháng cuối năm ​nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục