Thông tư 08 về quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực

Khảo sát một số đại lý sữa ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cùng chung nỗi lo, mặc dù được phổ biến về Thông tư 08 nhưng hiện vẫn chưa nắm rõ là phải khai báo hệ thống phân phối tới cấp nào.
Thông tư 08 về quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực ảnh 1Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm sữa tại siêu thị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Từ ngày 10/8, Thông tư 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi bắt đầu có hiệu lực.

Theo Thông tư, doanh nghiệp kinh doanh sữa sẽ được chủ động tăng giá dưới 5% mà không phải xin phép cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số địa phương và doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn với một số quy định tại Thông tư này.

Khảo sát tại một số đại lý sữa trên địa bàn Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cùng chung một nỗi lo rằng, mặc dù đã được phổ biến về Thông tư 08 nhưng hiện tại vẫn chưa nắm rõ là phải khai báo hệ thống phân phối tới cấp nào.

[Doanh nghiệp TP. HCM cam kết tuân thủ quy định mới về kê khai giá sữa]

Chị Đỗ Thu Hiền, chủ cửa hàng bỉm sữa Phương Anh phố Minh Khai chia sẻ: "Thông thường chúng tôi thường phân phối đại lý cấp 1 nhưng các đại lý này lại đưa hàng cho các đại lý nhỏ hơn và những cửa hàng bán lẻ. Chính vì thế, nếu phải khai báo hết thì sẽ khó cho chúng tôi bởi những đại lý cấp thấp hoạt động không ổn định, có thể thêm hoặc bớt đi hàng tuần."

Đại diện hãng sữa nhập khẩu Nuticare cũng băn khoăn về việc doanh nghiệp nhập khẩu lớn có nhiều nhà phân phối thì các nhà phân phối tại địa phương sẽ phải đăng ký giá sữa lên cấp nào và thủ tục nhiều như vậy có gây mất thời gian cho doanh nghiệp hay không.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng, sau khi được phân công của Chính phủ, việc quản lý giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi được phân công cho Bộ Công Thương quản lý.

Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư 08. Trong quá trình xây dựng, Hiệp hội sữa Việt Nam và doanh nghiệp sữa cũng tham gia góp ý. Đây là việc làm tích cực để bình ổn thị trường sữa trẻ em dưới 6 tuổi.

Ông Trung cho biết, điều đáng mừng là khi Thông tư 08 có hiệu lực, doanh nghiệp rất đồng tình về nội dung của Thông tư. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn thì sẽ phản hồi với cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh tính cạnh tranh minh bạch, doanh nghiệp cũng phải có lời nhưng phải đúng quy định pháp luật. Biên độ cho dưới 5% là điểm mới vì thị trường biến động.

Cùng với đó, hiện lượng sữa trong nước mới đáp ứng một phần nhỏ, khoảng 60-70% sữa phải nhập khẩu. Vì thế, phải cho doanh nghiệp tự điều chỉnh nhưng nếu tăng phải có giải trình và hy vọng thị trường sữa sẽ được bình ổn.

Hiện hội và cơ quan quản lý Nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhưng bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho hay, sản phẩm sữa là một ngành kinh doanh có điều kiện, vì thế, việc nắm được đường đi của sản phẩm mình phân phối ra sao là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không thể không nắm được các đại lý bán lẻ của mình. Việc báo cáo cập nhật là cần thiết và tạo điều kiện để cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước quản lý hiệu quả hơn.

Trước băn khoăn về việc để doanh nghiệp tự đăng ký, kê khai giá, liệu có trường hợp gian lận, trục lợi, kê khai giá cao hơn thực tế, đại diện Bộ Công Thương cho rằng các yếu tố hình thành giá phải hợp lý.

Ngoài Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác như Y tế, Hải quan... sẽ cùng phối hợp kiểm soát. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ công khai trên website của Bộ Công Thương về doanh nghiệp, mức giá... để cộng đồng cùng kiểm tra, giám sát.

Theo ông Nguyễn Lộc An, Thông tư 08/2017 thay vì áp giá trần, quản lý giá bán buôn thì quy định mới sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ, vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng tiếp cận.

Cùng đó, doanh nghiệp phải khai báo về hệ thống phân phối để cơ quan quản lý giám sát giá bán trên thị trường.

Ngoài ra, Thông tư 08 cũng gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.

Cũng theo ông Nguyễn Lộc An, các doanh nghiệp vẫn được quyền quyết định giá và cơ quan Nhà nước sẽ hậu kiểm. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về cả hai mặt là giá và chất lượng.

Thông tư mới sẽ quản lý có hệ thống các mặt hàng sữa, từ giá bán lẻ đến chất lượng sản phẩm. Đây được xem là bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục