Ngày Không khí sạch 2021: Kêu gọi hành động vì hành tinh khỏe mạnh

Ngày 7/9 được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh, ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí.
Hướng tới ưu tiên nhu cầu không khí trong lành cho sức khỏe con người. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/TTXVN)
Hướng tới ưu tiên nhu cầu không khí trong lành cho sức khỏe con người. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/TTXVN)

Năm 2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề của Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh (7/9) là “không khí trong lành, hành tinh khỏe mạnh,” nhằm nhấn mạnh tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Đây cũng là dịp để các quốc gia tập hợp hành động, nỗ lực hướng tới ưu tiên nhu cầu không khí trong lành cho sức khỏe con người và các mục tiêu phát triển bền vững.

9/10 người hít thở không khí ô nhiễm

Chia sẻ thông điệp về Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh 2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ngày nay cứ 10 người thì có tới 9 người hít thở không khí ô nhiễm, dẫn đến khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Giống như nhiều tệ nạn xã hội khác, ô nhiễm không khí phản ánh sự bất bình đẳng toàn cầu, với hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, một phần ở các quốc gia giàu có hơn. 

Theo ông Antonio Guterres, nghèo đói buộc mọi người phải sống gần các nguồn ô nhiễm như nhà máy, đường cao tốc. Và, nghèo đói cũng đã khiến 3 tỷ người tiếp tục đốt nhiên liệu rắn hoặc dầu hỏa để đun nấu, sưởi ấm và thắp sáng.

“Tình trạng ô nhiễm đang gây hại cho sức khỏe của chúng ta cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khí hậu,” ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, những năm trước, cụm từ “ô nhiễm không khí” và “bụi mịn PM2.5” vẫn còn xa lạ với người dân. Nhưng khoảng từ cuối năm 2018, khi các chỉ số chất lượng không khí như bụi mịn PM2.5 tại nhiều điểm đo liêp tiếp được cập nhật, công bố trên các ứng dụng, người dân đã quan tâm hơn đến vấn đề này.

[Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh]

Cho đến nay, theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 cao nhất không chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai...

Đáng chú ý là các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí từ bụi PM2.5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó, báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã chỉ ra ở Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, đái tháo đường...

Kết quả nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí do Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Công nghệ, Đại học Y tế công cộng thực hiện công bố mới đây cho thấy trong giai đoạn 2018-2020, hàng nghìn người trên cả nước đã tử vong do ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Ngày Không khí sạch 2021: Kêu gọi hành động vì hành tinh khỏe mạnh ảnh 1Tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nguyên nhân gây ô nhiễm bụi PM2.5 và TSP (tổng bụi lơ lửng) tại các thành phố lớn được xác định đến từ các nguồn thải như: Khí thải xe gắn máy, mặt đường khi xe chạy hay thắng xe, từ hộ gia đình, dệt may, cảng biển, thực phẩm, nhà hàng-quán ăn công trình xây dựng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy…

Cần "hành động" làm sạch không khí

Từ thực tế nêu trên, giới chuyên gia kiến nghị Việt Nam cần sớm có quy hoạch bổ sung lắp đặt các trạm quan trắc truyền thống tại các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn quy chuẩn; nâng cấp và mở rộng mạng lưới trạm quan trắc không khí đạt tiêu chuẩn sự phân bổ đồng đều trên cả nước…

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết đối với quản lý môi trường cấp tỉnh, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường cấp tỉnh. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để triển khai công tác bảo vệ môi trường không khí.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, phó giáo sư Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu - Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết bước đầu đã đề xuất 13 giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí đến năm 2025 như: Kiểm tra khí thải đột xuất xe cơ giới đang lưu hành; điều tra, rà soát thống kê số lượng xe cũ, xe máy đã qua sử dụng; đầu tư 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động…

Tuy vậy, đại diện Tổng cục Môi trường cũng thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và được cộng đồng hết sức quan tâm. Vì thế, để giảm ô nhiễm không khí rất cần sự chung tay của các bộ/ngành, sự đồng hành của các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước.

Nhân Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh năm 2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi tất cả các quốc gia cùng “hành động” bằng nhiều giải pháp hơn để cải thiện chất lượng không khí. Nhất là giám sát các nguồn gây ô nhiễm không khí cũng như các tiêu chuẩn khí thải mạnh hơn đối với xe cộ, nhà máy điện, xây dựng và các ngành công nghiệp có thể cắt giảm ô nhiễm.

“Tôi hoan nghênh việc loại bỏ xăng pha chì trên toàn cầu gần đây. Chúng ta phải đầu tư vào năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch. Việc sử dụng than phải được loại bỏ dần. Và, chúng ta phải chuyển đổi sang phương tiện không phát thải. Nếu chúng ta thực hiện các bước này, chúng ta có thể cứu sống 150 triệu người trong thế kỷ này và giúp làm sạch bầu không khí,” ông Antonio Guterres chia sẻ.

Trên tinh thần đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia trên thế giới hôm nay và hàng ngày hãy cùng nhau làm sạch không khí mà chúng ta hít thở để có thể bảo vệ cả con người và hành tinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục