Ngày Trái Đất 22/4: Đầu tư vào Trái đất là trách nhiệm của chúng ta

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2022, thế giới đã tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than - loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013.
Ngày Trái Đất 22/4: Đầu tư vào Trái đất là trách nhiệm của chúng ta ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nước biển đã “nuốt chửng” nghĩa trang của làng Togoru thuộc đảo Viti Levu, đảo lớn nhất và là nơi đặt thủ đô Suva đảo quốc Fiji, và bà Lavenia McGoon, người đã sinh sống tại đây gần 60 năm, đang lo ngại ngôi nhà bà đang ở cũng sẽ biến mất trong tương lai không xa. 

Không chỉ Fiji, nhiều quốc đảo khác như Maldives, Tuvalu, Quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati cũng có thể trở thành nơi không thể sinh sống được vào năm 2100, khiến 610.000 người dân các nước này phải đi tị nạn liên quan khí hậu.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng nếu xu hướng ấm lên của Trái Đất tiếp diễn, thì mực nước biển có thể dâng cao thêm gần 1m quanh các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ này.

Theo đó, lo ngại mất nhà cửa của bà McGoon và nguy cơ một số quốc đảo bị xóa sổ trên bản đồ thế giới không còn là khoa học viễn tưởng nữa khi biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm gia tăng tốc độ ấm lên của Trái Đất, đặt ra thách thức chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế. 

Sự tàn phá của biến đổi khí hậu ngày càng có thể cảm nhận rõ ràng hơn, nhất là trong 8 năm qua, nhiệt độ Trái Đất ở mức cao kỷ lục kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển. Riêng năm 2022, với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới đã đối mặt với một loạt thảm họa thiên nhiên chưa từng có.

Pakistan và miền Bắc Ấn Độ đã trải qua một đợt nắng nóng như thiêu đốt vào mùa Xuân kéo dài 2 tháng với nhiệt độ luôn vượt trên 40 độ C. Tiếp đó, Pakistan hứng chịu trận mưa lũ lịch sử nhấn chìm 1/3 lãnh thổ đất nước, ảnh hưởng đến 33 triệu người, làm hàng nghìn người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế khoảng 30 tỷ USD.

Ở châu Âu, các nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình năm 2022, trong bối cảnh toàn bộ châu lục này trải qua năm nóng kỷ lục thứ hai và tốc độ tăng nhiệt cao nhất so với bất kỳ lục địa nào khác trên toàn cầu. Các vùng rộng lớn ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc, Trung Á và Bắc Phi trong cả năm 2022 cũng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ trước đến nay.

Các vùng cực của Trái Đất cũng chứng kiến nhiệt độ tăng kỷ lục. Diện tích băng biển ở Nam Cực trong tháng 2/2022 giảm xuống mức thấp nhất trong mùa Hè ở Nam bán cầu. Ở đầu kia của Trái Đất, nhiệt độ tại Greenland trong tháng 9/2022 cao hơn 8 độ C so với mức trung bình, đẩy nhanh quá trình tan băng - nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao.

Trước thực tế này, cộng đồng quốc tế đã đưa ra các cam kết cũng như hành động nhằm bảo vệ môi trường sống và kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất trong giới hạn 1,5 độ C để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở mức có thể kiểm soát được theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang có nguy cơ đi chệch hướng do mức độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguyên nhân chính khiến Trái Đất nóng lên, tăng mạnh trong năm qua. 

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2022, thế giới đã tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than - loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013. Nguyên nhân chính khiến nhu cầu than đá tăng vọt là do cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn nguồn cung khí đốt khiến giá mặt hàng này tăng và giá điện tăng.

Để giải tỏa "cơn khát" năng lượng, nhiều nước đã phải tăng cường sử dụng than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác hoặc trì hoãn quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như việc đóng cửa các nhà máy điện than khi chưa tìm được nguồn cung thay thế trong ngắn hạn. Tại châu Âu, nơi được coi là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng, sản lượng điện than của Liên minh châu Âu (EU) năm ngoái đã tăng 7%, đẩy mức xả thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng tăng gần 4%.

[Bảo vệ Trái Đất "ngôi nhà chung của nhân loại" khỏi ô nhiễm]

Dựa trên xu hướng thị trường hiện tại, IEA còn cho rằng “cơn sốt” than đá trên toàn cầu sẽ không thay đổi cho đến năm 2025, một phần do nhu cầu cũng tiếp tục mạnh ở các nền kinh tế châu Á mới nổi. Trong đó, đáng chú ý là nền kinh tế lớn nhất châu Á - Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ than và phát thải lớn nhất thế giới, mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19.

Tương tự, Chính phủ Ấn Độ, nước vốn cũng phụ thuộc lớn vào than đá để sản xuất điện, hồi đầu tháng 3 đã ban hành các sắc lệnh khẩn cấp, nêu rõ các nhà máy than đá sẽ hoạt động hết công suất trong mùa Hè tới để tránh tình trạng thiếu điện. 

Giới chuyên gia cho rằng việc các nước quay trở lại sản xuất điện từ than đá sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, theo đó có thể khiến mục tiêu trung hòa carbon của các nước ngày càng xa tầm với. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị giữa các nền kinh tế phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới như Trung Quốc (chiếm hơn 27%), Mỹ (15%), EU và Anh (9,8%), Nga (4,7%), cũng khiến các bên khó có thể hợp tác ứng phó với những thách thức chung về khí hậu.

Ngày Trái Đất 22/4: Đầu tư vào Trái đất là trách nhiệm của chúng ta ảnh 2Người dân phân loại rác thải nhựa tại bãi rác ở Mombasa, Kenya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi chính phủ các nước hành động khẩn cấp để tháo gỡ “quả bom hẹn giờ” khí hậu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn cũng là những nước phát thải nhiều nhất. Tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu lần thứ tư diễn ra ngày 20/4, ông Guterres cho rằng những mâu thuẫn địa chính trị không thể cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới.

Các nước cần vượt lên trên những bất đồng, khác biệt và căng thẳng để hợp tác hành động vì khí hậu nhằm tránh được "bản án tử hình" vào cuối thế kỷ này - nhiệt độ Trái Đất tăng 2,8 độ C khi những chính sách khí hậu hiện nay vẫn được duy trì.

Cũng tại sự kiện, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước này sẽ đóng góp thêm 1 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu Xanh nhằm phối hợp các nỗ lực để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.  Ông Biden cho rằng các tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn tới những quốc gia vốn phát thải ở mức thấp nhất, trong đó có các nước đang phát triển.

Với vai trò là các nền kinh tế lớn và các nước phát thải nhiều, các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới phải thúc đẩy và hỗ trợ những nền kinh tế đó, đồng thời phải cam kết hành động khi vẫn còn thời gian.

Phát biểu tại Hội nghị bộ trưởng về Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) diễn ra ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, con đường để đạt được các mục tiêu đề ra theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hết sức chông gai, đòi hỏi trí tuệ, tinh thần hợp tác và tình đoàn kết cao; đồng thời khẳng định cần tăng cường hợp tác và kết nối giữa chính phủ với chính phủ, giữa chính phủ với doanh nghiệp, dùng đầu tư công để dẫn dắt tài chính tư trong bối cảnh tài chính tư là một nguồn lực quan trọng đối với các nỗ lực giảm phát thải.

Đây cũng là nội dung chính của chủ đề Ngày Trái Đất 22/4 “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta.” Chủ tịch Mạng lưới Ngày Trái đất Kathleen Rogers đã kêu gọi hợp tác vì hành tinh này.

Các doanh nghiệp, chính phủ và xã hội đều có trách nhiệm như nhau trong hành động chống lại khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy sự thay đổi hướng tới một tương lai xanh, thịnh vượng và công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục