Nghệ thuật "bẻ lái" của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ

Sự nối lại đối thoại giữa các lãnh đạo Bắc Kinh và Washington thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận của Bắc Kinh đang thực sự hiệu quả.
Nghệ thuật "bẻ lái" của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Modern War Institute)

Theo trang mạng thediplomat.com, đã có một sự điều chỉnh tinh tế, nhưng rất quan trọng về tông điệu - dù chưa thể hiện được sự thay đổi đáng kể về lập trường - trong mối quan hệ Trung-Mỹ.

Phần lớn những điều chỉnh này đều có thể góp phần tạo ra những đột phá trên các mặt trận như đàm phán thương mại, chính sách ngoại giao con tin, bao gồm vụ Mạnh Vãn Châu và 2 công dân Canada, cuộc sơ tán đáng hổ thẹn của Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, một phần không nhỏ của sự thay đổi này cũng có thể xuất phát từ các nỗ lực tích cực của Bắc Kinh trong việc hạ nhiệt căng thẳng, với những thành công vừa phải và hợp lý.

Sự xoa dịu chiến lược của Bắc Kinh

Ngay khi đặt chân đến Mỹ, tân đại sứ của Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đã nói: “Tôi tin là cánh cửa của mối quan hệ Trung-Mỹ, vốn đã được mở ra, sẽ không thể bị đóng lại.” Những bình luận đầu tiên này của ông được đưa ra vào cuối tháng 7, thời điểm mà triển vọng cho mối quan hệ Trung-Mỹ đang ở mức ảm đạm nhất trong hai thập kỷ qua.

Sau 2 tháng rưỡi, Trung Quốc và Mỹ dường như đang chuyển mình một cách chậm chạp - và có phần không thoải mái - hướng tới sự thay đổi trong mối quan hệ song phương.

Liệu sự xoa dịu quan hệ từng bước này có tồn tại lâu dài, hay chỉ là một giai đoạn tạm nghỉ, vẫn còn phải chờ xem. Ít nhất thì Bắc Kinh đã lựa chọn một sự xoa dịu căng thẳng có tính chiến lược và được tuyên bố rõ ràng.

Mặc dù cuộc gặp tại Anchorage hồi tháng 3 vừa qua đã khắc họa phần nào mức độ hợp tác thực dụng và vừa phải đằng sau các cánh cửa khép kín, những va chạm ồn ào và công khai khi đó khác hẳn so với giọng điệu hòa giải hơn trong những tuần vừa qua.

[Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc lên kế hoạch hội đàm trực tuyến]

Tại một cuộc họp trực tuyến với các nghị sỹ Đảng Dân chủ và Cộng hòa hồi tháng 9, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì đã kêu gọi “đối thoại nhiều hơn” để “củng cố sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau.”

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp của ông với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tại Zurich, Thụy Sĩ, trong một cuộc họp thượng đỉnh mà nhiều người tung hô là một sự trù bị cho cuộc họp trực tuyến quan trọng hơn giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden trước cuối năm nay.

Những tuyên bố mang tính hòa giải của Dương Khiết Trì đã được nhắc lại bởi Phó thủ tướng Lưu Hạc, người mà trong cuộc họp với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã kêu gọi xúc tiến thêm nhiều cuộc đối thoại thường xuyên hơn để xoa dịu căng thẳng và xử lý các tranh chấp gai góc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuyên bố chính thức này đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc ủng hộ. Một bài báo đăng tải ngày 13/9 trên tờ báo thuộc sở hữu nhà nước China Daily có tựa đề: “Giới phân tích: Tập Cận Bình, Joe Biden nỗ lực sửa chữa mối quan hệ.”

Tiếp theo, tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/10 đã ca ngợi phát biểu của bà Tai tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế là một tín hiệu cho thấy Mỹ “đã công nhận rằng việc 'biến đổi Trung Quốc' sao cho phù hợp với những lợi ích của Mỹ là điều phi thực tế”, đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc hoan nghênh các cuộc đối thoại và đàm phán, và sẵn sàng thực hiện những nỗ lực để cùng xây dựng một hệ thông thương mại công bằng và đem lại lợi ích cho cả hai bên Trung-Mỹ.”

Ít nhất thì Bắc Kinh cũng có vẻ đã sẵn sàng đưa ra một vài nhượng bộ ở cấp độ lời nói trong các nỗ lực thông tin và tuyên truyền ra bên ngoài. Những cành ôliu như vậy có thể rất mơ hồ và dễ bị tuột mất, vì vậy không nên bỏ sót.

Dưới đây là ba nét chính có thể rút ra từ các động thái xoa dịu căng thẳng của Trung Quốc thời gian gần đây:

Thứ nhất, có một sự xoa dịu các giọng điệu, lập luận và cử chỉ của một số nhà ngoại giao và nhà bình luận có liên quan đến nhà nước - những thành phần luôn thẳng thừng lên án Mỹ và các động thái chống lại cái mà Trung Quốc gọi là sự vu khống và bóp méo các lợi ích của nước này.

Thứ hai, các tuyên bố và thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc những tuần gần đây đã phản ánh một sự thay đổi về giọng điệu và ngôn từ. Có một sự nhấn mạnh lớn hơn được đặt vào các lĩnh vực cụ thể đòi hỏi có thêm sự đàm phán và thỏa hiệp.

Thứ ba, Bắc Kinh vẫn khéo léo khi không công khai thể hiện rằng họ vẫn cởi mở và để ngỏ các cánh cửa. Mặc dù Trung Nam Hải đã kêu gọi đối thoại sâu sắc hơn và mở rộng sự hợp tác trong các lĩnh vực mà cho đến nay vẫn chưa được lưu tâm (chẳng hạn như các thách thức liên quan đến việc cơ giới hóa lao động và các trao đổi dân sự), họ đã né tránh những sức ép để đưa ra những nhượng bộ và những cam kết quan trọng về chính sách trong bất kỳ vấn đề nào.

Những hành động này nên được hiểu vừa là những lời mời gọi gia tăng đối thoại và đàm phán, vừa là những dấu chỉ về sự thiện chí nói chung của đất nước.

Những mối nguy từ chủ nghĩa siêu dân tộc đại chúng

Thật nguy hiểm và ngây thơ khi cho rằng tất cả các hình thức dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc đều là sản phẩm của nhà nước. Nếu chỉ nhìn nhận chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc một cách đơn thuần trên khía cạnh là sự áp đặt từ trên xuống mà bỏ qua khía cạnh của sự ủng hộ từ đại chúng, người ta có thể quên mất những tâm lý và quan điểm của các cá nhân.

Thông qua việc tìm hiểu về chủ nghĩa dân tộc đương đại của Trung Quốc, tác phẩm “China's Good War” đã cho thấy một điểm khởi đầu rõ ràng và hữu ích.

Trong cuốn sách mới nhất của mình, Mitter đã nhấn mạnh cả bộ máy nhà nước lẫn công chúng Trung Quốc đều là nguồn gốc của những luận điệu và tâm lý dân tộc chủ nghĩa đương đại cũng như trong lịch sử, đặc biệt là cuộc đấu tranh của người dân Trung Quốc trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Phần lớn kiểu chủ nghĩa dân tộc này đều rất tự nhiên và có hiệu quả, giống như những công cụ để điều chỉnh và củng cố niềm tin của người dân Trung Quốc trước các đối thủ - dù là tự nhiên hay nhân tạo.

Mối nguy này bắt đầu bùng phát khi các yếu tố trong những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa như vậy phát triển thành thái độ cực đoan và phục thù một cách công khai, sử dụng những luận điệu mang tích lịch sử theo cách đặt Trung Quốc vào thế phải đối đầu với một cuộc xung đột, đấu tranh không thể tránh khỏi và một cuộc chiến tranh tiềm tàng với phương Tây.

Những luận điệu này vừa không mang tính thực tế, vừa không hiệu quả trong việc kéo Trung Quốc ra khỏi một con đường quân phiệt nguy hiểm.

Và liệu những cá nhân này còn có thể đặt ra một mối đe dọa cụ thể với những nỗ lực điều chỉnh chính sách ngoại giao của Bắc Kinh hay không?

Các thành phần dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng có thể buộc Bắc Kinh phải áp dụng những đường lối khác. Chẳng hạn, các chiến dịch thoái vốn và biểu tình chống lại sự khiêu khích của Đài Loan có thể tạo thêm áp lực và căng thẳng cho lực lượng quân đội thuộc Bộ Chỉ huy phía Đông cũng như giới chức tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang trong việc đáp trả những hành vi khiêu khích này, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi minh bạch về chiến lược tại Mỹ, một sự thay đổi tùy theo chủ nghĩa dân tộc ngày càng sốt sắng tại Đài Loan và những tuyên bố ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh rằng Đài Loan vẫn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Hướng tới một chính sách ngoại giao thực dụng, linh hoạt hơn

Bắc Kinh cần tìm cách kiềm chế chủ nghĩa siêu dân tộc đại chúng nếu muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ theo hướng thực dụng hơn. Thật ngây thơ khi cho rằng mối quan hệ song phương có thể được khôi phục như giai đoạn trước kỷ nguyên Trump với một sự hợp tác thân ái và mạnh mẽ, khi Trung Quốc và Mỹ vẫn gắn kết chặt chẽ với nhau về kinh tế, theo những cách thức khiến cho một sự đối đầu quân sự trở thành một lựa chọn không chỉ không khôn ngoan, mà còn là thảm họa đối với người dân ở cả hai nước.

Tiếp đó, cách thức Bắc Kinh lèo lái dư luận trong nước sẽ là một vấn đề nhạy cảm và khẩn cấp. Cho đến nay, thuyết nhị nguyên mà các quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng - vừa nhấn mạnh quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia và các đường cơ sở ở bên ngoài, vừa quan tâm đến việc thảo luận và đàm phán về việc khôi phục các thỏa thuận về thương mại và đầu tư - dường như đã có hiệu quả ở một mức độ nhất định.

Công chúng trong nước đã được thuyết phục rằng các nhà ngoại giao đang bảo vệ lợi ích tốt nhất cho họ, trong khi Washington được thuyết phục rằng việc tiếp tục hợp tác trong mối quan hệ với Trung Quốc vẫn còn giá trị.

Sự nối lại đối thoại giữa các lãnh đạo Bắc Kinh và Washington thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận của Bắc Kinh đang thực sự hiệu quả. Một chính sách ngoại giao linh hoạt hơn không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà cho cả mối quan hệ Trung-Mỹ. Tất cả chúng ta sẽ được hưởng lợi từ một chính sách ngoại giao năng động hơn, bớt giáo điều và bớt cứng nhắc hơn của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục