Nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học các vấn đề đổi mới giáo dục

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học về các vấn đề giáo dục trước khi Chính phủ có quyết sách đổi mới giáo dục.
Nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học các vấn đề đổi mới giáo dục ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 13/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhiệm kỳ 2022-2026.

Trước đó, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 574/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhiệm kỳ 2022-2026 gồm 29 thành viên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Ủy viên gồm đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Hội Khuyến học Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng một số trường đại học;...

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là tổ chức tư vấn, có vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết về sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực; chỉ đạo triển khai các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia, các chiến lược phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, các đề án lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung về đổi mới giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, nghiên cứu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực; nghiên cứu, tư vấn, góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và những vấn đề chuyên môn khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

[Việc đổi mới giáo dục là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội]

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh xã hội, người dân luôn rất quan tâm đến giáo dục. Việt Nam đang trong công cuộc đổi mới giáo dục lớn, toàn diện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua.

Nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học các vấn đề đổi mới giáo dục ảnh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với các đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng, theo từng tiểu ban, tổ nghiên cứu chuyên môn sẽ có những nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học, bàn bạc thấu đáo về các vấn đề giáo dục để có những tư vấn chính sách định hướng ra công luận trước khi Chính phủ, các cơ quan chức năng có các quyết định, chính sách, định hướng đổi mới giáo dục.

Nhấn mạnh trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, ngành giáo dục sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng chương trình làm việc của Hội đồng trong cả nhiệm kỳ theo các nhóm vấn đề, có thể bổ sung, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong quá trình triển khai, định hình những nét lớn, bảo đảm tính liên tục trong hằng năm.

Cũng tại phiên họp, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã nghe, thảo luận về Báo cáo chuyên đề đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông và dự thảo Chương trình công tác nhiệm kỳ 2022-2026.

Về Báo cáo chuyên đề đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông, qua thảo luận, các thành viên Hội đồng cho rằng, đối với kiểm tra, đánh giá học sinh cần dựa trên khung chuẩn năng lực thống nhất, liên thông đối với từng lứa tuổi, cấp học bằng cả kiến thức và kỹ năng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin…

Cùng với đó, việc kiểm tra, đánh giá cần tạo không gian cho nhà trường, giáo viên sáng tạo hơn nữa về các biện pháp thực hiện; huy động sự tham gia nhiều hơn của các bên như phụ huynh, cộng đồng, cùng với giáo viên và học sinh.

Về dự thảo Chương trình công tác nhiệm kỳ 2022-2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan thường trực của Hội đồng, đã đưa ra dự kiến Chương trình công tác gồm 12 nhóm vấn đề. Hội đồng nghiên cứu, tư vấn để hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo động lực cho đổi mới và phát triển; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Hội đồng cũng đưa ra các tư vấn cho Chính phủ về tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho các đối tượng; xây dựng xã hội học tập và văn hóa khởi nghiệp; hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục