Ngoài thuốc giải độc Botulinum, TP.HCM còn thiếu nhiều loại thuốc khác

Ngoài thuốc giải độc Botulinum, Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu một số thuốc như: thuốc nhỏ mắt Atropin; thuốc uống Acitretin và thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat; thuốc tiêm Mitoxantrone...
Ngoài thuốc giải độc Botulinum, TP.HCM còn thiếu nhiều loại thuốc khác ảnh 1Thuốc giải độc BAT được sử dụng để điều trị ngộ độc Botulinum. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 25/5, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết, các loại thuốc hiếm tại thành phố bị thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng.

Ngoài thuốc giải độc Botulinum, Thành phố Hồ Chí Minh cũng thiếu nhiều loại thuốc khác.

Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thuốc hiếm là thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không sẵn có, ban hành kèm theo Thông tư 26/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về danh mục thuốc hiếm.

Theo danh mục này, thành phố đang thiếu một số thuốc như: thuốc nhỏ mắt Atropin; thuốc uống Acitretin và thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat; thuốc tiêm Mitoxantrone và thuốc tiêm Idarubicin, thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate.

Để đáp ứng nhu cầu điều trị, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán.

Ngoài ra, thành phố không có sẵn các thuốc cấp cứu như các trường hợp ngộ độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) vừa xảy ra.

Đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong các trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng thuốc vẫn là vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Đây hầu hết là các thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam.

[WHO gửi khẩn thuốc hiếm cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Việt Nam]

Nguồn cung ứng các thuốc này rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên. Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Liên quan đến các trường hợp ngộ độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết ngày 22/5, ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên từ Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược đã có công văn khẩn cấp gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị hỗ trợ thuốc giải.

Ngày 23/5, WHO đã điều phối và vận chuyển thuốc khẩn cấp dưới sự can thiệp và hỗ trợ của Bộ Y tế.

19 giờ ngày 24/5, sáu lọ thuốc giải độc tố BAT về đến Sân bay Tân Sơn Nhất và các thủ tục giao nhận khẩn cấp được hoàn tất lúc 21 giờ cùng ngày.

Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh mong rằng thuốc BAT sẽ góp phần cứu chữa cho những bệnh nhân bị ngộ độc còn trong thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc.

Qua các trường hợp trên, ngành y tế yhành phố mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục