Ngoại trưởng Pháp hối thúc Chính phủ Iraq thúc đẩy hòa giải dân tộc

Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian khẳng định Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Iraq trong công cuộc tái thiết đất nước, như đã đồng hành với nước này trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS.
Ngoại trưởng Pháp hối thúc Chính phủ Iraq thúc đẩy hòa giải dân tộc ảnh 1Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari (phải) và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong cuộc gặp tại Baghdad ngày 12/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã hối thúc Chính phủ Iraq thúc đẩy hòa giải dân tộc với các cộng đồng thiểu số người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd trước thềm các cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới.

Phát biểu ngày 12/2 nhân chuyến thăm Baghdad, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian khẳng định Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Iraq trong công cuộc tái thiết đất nước, như đã đồng hành với nước này trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo ông, "tiến trình tổng tuyển cử (tại Iraq) phải được diễn ra với những điều kiện tốt nhất" và ông kêu gọi "sự tôn trọng đối với tất cả các cộng đồng đang sinh sống tại Iraq" để hướng tới một cuộc tổng tuyển cử trong hòa bình và thành lập một chính phủ toàn diện ở Iraq.

Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Haider al-Abadi theo dòng Shiite, Tổng thống Fuad Massum dòng Sunni và Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi - đại diện cho cộng đồng người Kurd. Tại các cuộc gặp, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh điều mà Iraq cần nhất hiện nay là "sự ổn định, tái thiết đất nước và hòa giải dân tộc."

Pháp từng là thành viên chính trong liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu, sau khi tổ chức khủng bố này chiếm một phần lớn lãnh thổ Iraq và nước láng giềng Syria hồi năm 2014.

["Iraq cần 88,2 tỷ USD cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh"]

Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về tái thiết Iraq tại Kuwait, ngày 12/2, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã cam kết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân đạo và thúc đẩy phát triển trị giá 335 triệu USD tại những khu vực bị ảnh hưởng do xung đột vũ trang ở quốc gia Hồi giáo này.

Kết thúc Hội nghị NGOs riêng rẽ này, đại diện các bên tham gia đã ra thông cáo chung nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những chương trình trên trong các lĩnh vực như y tế, xây dựng khu tạm trú, giáo dục, phục hồi và những lĩnh vực khác phục vụ các mục đích nhân đạo cũng như sự cần thiết phải hỗ trợ để giúp Iraq vượt qua cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này.

Ngoài ra, hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế theo dõi những kết quả đạt được sau hội nghị và việc thực hiện những chương trình nhân đạo nói trên.

NGOs cũng đã kêu gọi các tổ chức tài trợ phối hợp với chính quyền các địa phương ở Iraq trong việc thực thi và giám sát các chương trình hỗ trợ nhân đạo để đảm bảo tính minh bạch và phát huy tối đa hiệu quả các chương trình này.

Thông cáo chung nhấn mạnh Chính phủ Iraq cần tạo điều kiện thuận lợi cho NGOs triển khai các chương trình cứu trợ và phát triển tại các vùng xung đột, cung cấp thông tin và dữ liệu mới nhất về tình hình nhân đạo tại các địa phương trong cả nước để từ đó có các chương trình hành động cụ thể, phù hợp.

Hội nghị NGOs diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về tái thiết Iraq đang diễn ra tại Kuwait. Hội nghị tái thiết có sự tham gia của một số cường quốc kinh tế cũng như các tổ chức của khu vực và quốc tế để đóng góp phần mình vào công cuộc tái thiết Iraq sau nhiều năm quốc gia này bị chiến tranh và xung đột tàn phá.

Nội dung chính của hội nghị do Kuwait, Iraq, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng chủ trì này là cách thức để tạo môi trường đầu tư phù hợp thông qua việc giới thiệu 212 dự án trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Iraq, bao gồm cả các dự án tại khu vực của người Kurd ở Iraq.

Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ công bố tất cả các đóng góp cho việc tái thiết Iraq. Theo Bộ Kế hoạch của Iraq, nước này cần 88,2 tỷ USD cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh và khủng hoảng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục