Ngư dân Quảng Nam ngóng chờ giải pháp đối phó bồi lấp biển Cửa Đại

Hơn 5 năm trở lại đây, cứ sau mỗi đợt mưa lũ lớn, cửa biển Cửa Đại lại bị bồi lấp nặng, tàu thuyền không thể ra khơi, khiến nhiều công việc bị ngưng trệ.
Ngư dân Quảng Nam ngóng chờ giải pháp đối phó bồi lấp biển Cửa Đại ảnh 1Biển Cửa Đại bị bồi lấp sau lũ khiến nhiều tàu thuyền không thể ra khơi. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Hơn 5 năm trở lại đây, cứ sau mỗi đợt mưa lũ lớn, cửa biển Cửa Đại, nơi đi về của hàng nghìn phương tiện tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, lại bị bồi lấp nặng, tàu thuyền không thể ra khơi, khiến nhiều công việc bị ngưng trệ.

Đặc biệt, sau trận lũ lớn trong tháng 11/2017, cửa biển Cửa Đại càng bị bồi lấp nặng hơn.

Nhiều cuộc hội thảo đã được triển khai, nhiều dự án nạo vét Cửa Đại với nguồn kinh phí không nhỏ đã được thực hiện, song tình trạng sạt lở và bồi lấp cửa biển vẫn cứ tiếp diễn với quy mô ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vì sinh kế của mình, hàng vạn ngư dân Quảng Nam đang nóng lòng chờ một giải pháp căn cơ để đối phó với thực trạng này.

Biển cũng bên lở bên bồi

Mưa lũ lớn trong tháng 11/2017 cộng với triều cường đã cuốn một khối lượng cát khủng lồ từ nhiều nơi đổ về bồi lấp cửa biển Cửa Đại. Lũ dữ đi qua, trong khi hàng vạn hộ ở vùng ngập lũ tỉnh Quảng Nam đang tập trung khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống thì hàng nghìn hộ ngư dân gặp khốn đốn vì tàu thuyền của họ không thể ra khơi trong khi vụ khai thác hải sản chính trong năm đã vào giai đoạn nước rút.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, chia sẻ bờ biển Hội An bên lở bên bồi với nhiều hệ lụy để lại là thực trạng đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Một bờ biển dài và đẹp của thành phố được các nhà đầu tư rót vào đây hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch nhưng đã và đang không ngừng bị sóng biển bào mòn, ăn sâu vào đất liền với quy mô ngày càng lớn hơn. Hậu quả là các công trình tiền tỷ này bị bỏ hoang, không dám đưa vào khai thác, bờ biển tuyệt đẹp có nguy cơ bị xóa sổ thì luồng biển Cửa Đại nằm cách đó không xa bị bồi lấp ngày càng trầm trọng khiến việc ra khơi của hàng nghìn phương tiện neo đậu trong vịnh để tránh trú mưa bão gặp nhiều khó khăn vì lối đi đã bị chặn.


[Biển Cửa Đại bị bồi lấp sau lũ, nhiều tàu thuyền không thể ra khơi]

Tình trạng bồi lấp cửa biển Cửa Đại thật sự trở thành mối nguy hại của ngư dân và vượt ngoài khả năng của địa phương.

Gắn bó nhiều năm với vùng biển Hội An, Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại, cho biết tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp luồng cửa biển Cửa Đại diễn ra với quy mô ngày càng lớn hơn, khốc liệt hơn. Nếu như ở mùa mưa năm trước, lượng cát bồi lấp Cửa Đại khoảng 200m song đến mùa mưa lũ năm nay, luồng biển Cửa Đại bị bồi lấp khá nặng với chiều dài gấp 5 lần năm trước, khiến hơn 1.000 tàu thuyền các loại của bà con nơi đây chật vật tìm đường ra khơi.

Cửa biển bị bồi lấp nhưng vì kế sinh nhai, nhiều ngư dân đã bất chấp nguy hiểm đưa tàu thuyền của mình tìm cách ra khơi, hậu quả là không ít tàu thuyền bị mắc cạn và bị sóng biển đánh chìm, gây hư hỏng nặng.

Mới đây nhất, ngày 11/11 vừa qua, tại khu vực cửa biển Cửa Đại, ngư dân Trần Cưỡng đã bị sóng biển cuốn mất tích, mấy ngày sau lực lượng chức năng mới tìm được thi thể.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2017, tàu du lịch mang số hiệu QNa 0712 bị chìm sâu, may mắn là những người điều khiển phương tiện đã thoát ly khỏi tàu một cách an toàn. Đồn Biên phòng Cửa Đại phải huy động nhiều phương tiện của ngư dân địa phương và của các đơn vị đóng chân trên địa bàn tập trung ứng cứu, trục vớt tàu gặp nạn.


Giải pháp nào để đảm bảo hài hòa và bền vững

Đã có nhiều dự án nạo vét luồng biển Cửa Đại với nguồn kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng và sử dụng lượng cát nạo vét được bổ sung cho bờ biển bị sạt lở nhưng thực trạng bờ biển bị sạt lở và luồng cửa biển bị bồi lấp vẫn cứ tiếp diễn với quy mô ngày càng nghiêm trọng hơn. Thành phố Hội An đã dùng hết khả năng của mình để ứng phó với thảm họa. Tuy nhiên đến nay tình trạng bồi lấp cửa biển đã vượt quá khả năng ứng phó của thành phố Hội An.

Trước sự lo lắng của người dân địa phương, thành phố Hội An đã có kiến nghị lãnh đạo tỉnh đề xuất Trung ương có giải pháp giúp thành phố ứng phó thích hợp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho hay.

Trong khi các phương án giải quyết căn cơ bài toán bồi lấp luồng cửa biển Cửa Đại còn đang bàn thảo thì hàng nghìn hộ ngư dân rơi vào cảnh khó khăn do không thể ra khơi đánh bắt hải sản.

Theo kinh nghiệm đi biển của ngư dân, chỉ khi nào mực nước luồng cửa biển Cửa Đại sâu tối thiểu 3m thì tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên mới có thể di chuyển ra khỏi nơi neo đậu một cách an toàn.

Ngư dân Quảng Nam ngóng chờ giải pháp đối phó bồi lấp biển Cửa Đại ảnh 2Biển Cửa Đại bị bồi lấp sau lũ khiến nhiều tàu thuyền không thể ra khơi. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại, cho biết đến ngày 5/12 , tức là hơn một tháng kể từ khi đợt mưa lũ hồi đầu tháng 11 vừa qua bắt đầu, luồng biển Cửa Đại vẫn bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên vẫn phải tiếp tục nằm bờ.

Tại hội thảo khoa học Phát triển bền vững và Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn và Vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng mới đây, vấn đề chống bồi lấp cho Cửa Đại đã được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đề cập với mục tiêu chính là bảo vệ bờ biển Hội An và ngăn chặn tình trạng bồi lấp Cửa Đại, hướng đến mục tiêu sâu xa hơn nữa là phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với môi trường của khu vực này.

Tuy nhiên, đây là câu chuyện lâu dài và cần có sự phối hợp có trách nhiệm giữa các bên có liên quan. Để ngăn chặn có hiệu quả việc xói lở và bồi lấp khu vực biển Cửa Đại, trước hết, việc ngăn sông, đắp đập làm thủy điện và tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn phải được kiểm soát một cách chặt chẽ, khoa học, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển đảo nhận định.

Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, cho biết trong nỗ lực khôi phục hạ tầng giao thông sau mùa mưa lũ, đối với tuyến đường thủy nội địa Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị và Cục Đường thủy nội địa đã phối hợp với địa phương cùng ngư dân đi khảo sát thực tế, đề xuất ba hướng luồng tạm. Trên cơ sở đề xuất này, đơn vị tư vấn đã đo đạc và lên phương án báo cáo lãnh đạo cục quyết định chọn phương án tiết kiệm và hiệu quả để cho thi công ngay khi điều kiện thời tiết cho phép, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của hàng nghìn tàu thuyền đánh cá và phương tiện vận tải của người dân địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc nạo vét các luồng tạm vẫn chưa được thực hiện.

Bờ biển bị sạt lở, cửa biển Cửa Đại bị bồi lấp với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, mưu sinh của hàng vạn dân chài gặp không ít đó khăn là thực trạng đã và đang diễn ra và chưa có hồi kết. Trước khi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đưa ra giải pháp lâu dài và căn cơ để giải quyết vấn nạn này, hàng vạn ngư dân Quảng Nam vẫn đang nóng lòng chờ một giải pháp cấp bách để mở lối ra khơi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục