Nhật Bản lần đầu ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3.000 ca trong ngày

Kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020, Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 vượt trên 3.000 người/ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tính tới ngày 12/12 (giờ địa phương), Nhật Bản đã phát hiện thêm 3.031 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020, số ca nhiễm mới vượt trên 3.000 người/ngày.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng trên khắp toàn quốc, hệ thống y tế ở nhiều khu vực tại Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu quá tải.

Các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy tính đến ngày 10/12, có ba trong số 47 tỉnh, thành ở nước này có tỷ lệ bệnh nhân COVID-19/số giường bệnh ở các bệnh viện vượt quá 50%.

[Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế ở Nhật Bản]

Tỷ lệ này cao nhất ở tỉnh Hyogo (68,9%), tăng 3,9% so với tuần trước đó. Tiếp theo là Hokkaido (55,1%) và Kochi (53,5%). Các tỉnh, thành khác có tỷ lệ này cao gồm Tokyo (46,3%), Aichi (45,3%), Osaka (49,3%) và Okinawa (46,8%).

Nhằm khống chế dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca PLC của Anh về việc mua 120 triệu liều vắcxin, đủ để tiêm phòng cho 60 triệu người. vắcxin của AstraZeneca được cho là có hiệu quả tới 90%.

Do lo ngại về tình hình dịch bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng hơn, nhóm chuyên gia cố vấn của Chính phủ Nhật Bản đang thúc giục chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide cân nhắc áp dụng các biện pháp mới để kiểm soát dịch bệnh.

Ông Shigeru Omi, trưởng nhóm chuyên gia, cho biết xu hướng chủ đạo trong mô hình lây lan SARS-CoV-2 ở Nhật Bản là các ca nhiễm thường xuất hiện ở các nhà dưỡng lão hoặc bệnh viện, với một số ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Chính vì vậy, các chuyên gia kêu gọi chính phủ đưa ra kế hoạch ứng phó dựa trên tình hình lây nhiễm thực tế của dịch bệnh.

Một trong những biện pháp mà chính phủ có thể thực hiện là kêu gọi các nhà hàng và quán bar rút ngắn hơn nữa thời gian kinh doanh nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng ở một số khu vực. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng đề nghị chính phủ kêu gọi người dân hạn chế đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục