Bên cạnh việc hưởng lợi từ giá dầu thế giới tiếp tục neo ở mức cao do lo ngại xung quanh mối quan hệ Nga-Ukraine, dự án Lô B Ô Môn dự kiến khởi công nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.
Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, hiện nay, sản lượng khai thác dầu khí tại Việt Nam đã liên tục giảm kể từ năm 2015, do thiếu vắng các dự án thượng nguồn trọng điểm.
Trong khi đó, Lô B Ô Môn là một trong những dự án khai thác khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
Các chuyên gia của VNDIRECT phân tích, sau nhiều năm trì hoãn do vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III, đã có tín hiệu tích cực cho dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III.
Nhờ vậy, dự án thượng nguồn dự kiến sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối quý 2/2022 sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ô Môn III trong quý 2/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm 2022.
[Sản lượng khai thác của PVEP tháng Hai ước đạt 0,23 triệu tấn quy dầu]
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ước tính khoảng 19,23 tỷ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước trong vòng đời 20 năm của dự án từ dự án thượng nguồn và đường ống dẫn khí.
Ngoài ra, 4 nhà máy điện khí tại Ô Môn với tổng công suất 3.810 MW sẽ bổ sung nguồn cung điện cho khu vực miền Nam trong tương lai.
Trên cơ sở này, VNDIRECT đánh giá, việc khởi công một dự án trọng điểm như Lô BÔ Môn sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam, củng cố nền tảng cơ bản của ngành và thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí trong những năm tới.
Cụ thể, các công ty hàng đầu trong ngành có nhiều cơ hội hơn để tham gia và hưởng lợi từ dự án này, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn như Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD).
Đơn cử, khoan luôn là một trong những bước đầu tiên của các dự án khai thác thượng nguồn. Với kế hoạch hơn 700 giếng khai thác, dự án Lô B Ô Môn có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm cho một doanh cung cấp dịch vụ khoan như PVD trong những năm sắp tới.
Bên cạnh đó, với tư cách là nhà đầu tư chủ chốt cho đường ống dẫn khí Lô B Ô Môn, với 51% tổng mức đầu tư, Tổng Công ty Khí Việt Nam-Công ty cổ phần (GAS) sẽ là đơn vị hưởng lợi chính từ dự án này nhờ vào nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí.
Song song đó, lượng khí bổ sung sau khi dự án hoàn thành này từ năm 2026 sẽ bù đắp sự cạn kiệt nhanh chóng tại các mỏ khí lâu năm, góp phần duy trì sự tăng trưởng của GAS trong dài hạn.
Riêng với GAS, nhà phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, ngoài dự án Lô B Ô Môn, doanh nghiệp này còn được hưởng lợi từ nhiều dự án khu phức hợp năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Đây là xu hướng mới trong cấu trúc ngành dầu khí khi Chính phủ lấy việc xây dưng cơ sở hạ tầng LNG làm trọng tâm để giải quyết vấn đề thiếu cung khí và nhu cầu điện tăng. Trong số đó, GAS đang đi đầu với cảng LNG Thị Vải bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối 2022, cung cấp LNG cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Liên quan đến phát triển thị trường LNG, PVS cũng được nhận định là một trong những công ty hưởng lợi khi có thể hấp thụ từ khối lượng công việc lớn tiềm năng với các dự án khu phức hợp LNG mới trong dài hạn.
Doanh nghiệp có thể tham gia vào các hợp đồng tổng thầu (EPC) phát triển mỏ khí trong liên doanh với các nhà thầu nước ngoài. Hiện PVS cũng chính là nhà thầu liên doanh với Samsung E&C cho LNG Thị Vải.
Cùng với đó, giá dầu thế giới tiếp tục neo ở mức cao trước sự bất ổn giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, làm tăng thêm những lo ngại về nguồn cung vốn đã giúp giữ giá dầu gần mức 100 USD/thùng.
Với mức giá duy trì tích cực này sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Cập nhật giá dầu Brent giao kỳ hạn phiên này tăng 2,74 USD, tương đương 2,91%, lên 96,28 USD/thùng vào lúc 2 giờ 10 phút (sáng 22/2 theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,79 USD, tương đương 3,06% lên 93,86 USD/thùng.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank cho biết, nếu một cuộc chiến ở Ukraine thực sự diễn ra, giá dầu Brent kỳ hạn có thể tăng vọt trên ngưỡng 100 USD/thùng ngay cả khi đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran thành công.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu dầu khí duy trì là điểm sáng trong nhiều phiên giao dịch trở lại đây khi căng thẳng chính trị Nga-Ukraine phần nào khiến cho giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh và neo ở mức giá cao, qua đó ảnh hưởng cũng như tạo kỳ vọng cho các cổ phiếu và thu hút dòng tiền tham gia mạnh mẽ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2, nhóm cổ phiếu này nhuộm xanh với tất cả mã GAS, PVD, PVS, PVC, PGD, PGC… đồng loạt tăng điểm. Ấn tượng nhất là PVC tăng 6,6%, PVD, PVS tăng xấp xỉ 3% và GAS tăng gần 1%... Nhìn chung, đà tăng của nhóm cổ phiếu này đã phần nào làm thu hẹp đà giảm của thị trường./.