Nhiều nước lo ngại tình trạng vận chuyển dầu thô trái phép trên biển

Báo cáo của các nước đệ trình lên IMO cho hay hàng trăm tàu chở dầu phi pháp trên biển đã gây phương hại tới trật tự quốc tế, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm đối với các quốc gia ven biển.
Nhiều nước lo ngại tình trạng vận chuyển dầu thô trái phép trên biển ảnh 1Tàu chở dầu FSO Safer sau khi bị mắc kẹt và hư hại đã neo đậu nhiều năm qua ở ngoài khơi cảng Ras Isa, Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo vừa được gửi tới Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Mỹ, Anh, Đan Mạch và một số quốc gia khác đang kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nữa, bao gồm tăng cường giám sát, đối với các hoạt động vận chuyển dầu thô bất hợp pháp qua đường biển đang "bùng nổ" hiện nay.

Lời kêu gọi được đưa ra khi ngày càng có nhiều quan ngại về nguy cơ ô nhiễm, hệ lụy của các hoạt động phi pháp này.

IMO là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh hàng hải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển do tàu thuyền gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại London, bản báo cáo nói trên đã được một số quốc gia thành viên đệ trình lên IMO trước phiên họp chính của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển vào tháng 7/2023.

Báo cáo nêu rõ việc vận chuyển dầu mỏ trái phép gây phương hại tới trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đồng thời làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm đối với các quốc gia ven biển gần đó.

Điều này đe dọa các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm do tàu thuyền gây ra.

[LHQ có biện pháp đột phá nhằm ngăn thảm họa tràn dầu tại Yemen]

Hàng trăm tàu chở dầu chưa được cấp phép đầy đủ đã thực hiện những hoạt động thương mại đáng ngờ trong một vài năm trở lại đây, chở "vàng đen" từ những quốc gia chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt và các lệnh hạn chế của phương Tây.

Những con tàu này thường tắt các thiết bị định vị, thông báo sai vị trí hoặc thực hiện giao hàng phi pháp tại những khu vực không được cấp phép hoạt động, thậm chí trong điều kiện thời tiết xấu để che giấu các hành vi đáng ngờ.

Báo cáo cho rằng các hành vi này là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an toàn và an ninh hàng hải quốc tế," trong đó có cả việc gây nguy hiểm cho các thủy thủ đoàn.

Các nước đệ trình báo cáo khuyến nghị rằng bất kỳ quốc gia nào phát hiện thấy những hoạt động như vậy nên tăng cường kiểm tra các tàu thuyền và đẩy mạnh công tác giám sát lãnh hải.

Kết quả cuộc điều tra do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy trong năm 2022, số vụ bao gồm cả vụ tàu mắc cạn, va chạm và suýt va chạm liên quan các tàu chở dầu trái phép đã ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Các vụ việc này khiến chính quyền và cơ quan chức năng của nước sở tại phải trả chi phí giải quyết, dọn dẹp và bồi thường cho các nạn nhân một cách phi lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục