Nhiều ý kiến khác nhau về đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30), dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra 2 phương án.
Nhiều ý kiến khác nhau về đánh giá sơ bộ tác động môi trường ảnh 1Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 49, chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30), dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.

Theo phương án 1, phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C).

Các dự án đầu tư công dù quy mô nhỏ và không có cấu phần xây dựng cũng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Theo phương án 2, dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Như vậy, đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất dự án đầu tư.

[Làm rõ quyền giám sát cho cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường]

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 2 và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án này.

Tán thành với phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng không chỉ các dự án nhóm I, nhiều trường hợp các dự án nhóm II, nhóm III cũng có yếu tố tác động xấu đến môi trường nên cần đánh giá toàn diện.

"Có dự án quy mô nhỏ nhưng liên quan đến rừng, nước thải, khí thải, xói mòn đất… cũng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Vì thế, việc đánh giá nên thực hiện theo Luật Đầu tư công," Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ thông qua đánh giá sơ bộ sẽ loại được các công trình, dự án có ảnh hưởng đến môi trường, ngay từ khâu nghiên cứu tiền khả thi. Do đó, nên đánh giá sơ bộ tác động môi trường tất cả các dự án đầu tư công như Luật Đầu tư công quy định.

Liên quan đến giấy phép môi trường, dự thảo Luật cũng đưa ra 2 phương án.

Theo phương án 1 (Chính phủ trình), chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Đồng thời, quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Trong khi đó, phương án 2 quy định vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị quy định theo Phương án 1 và cho rằng phương án này sẽ giải quyết được phần lớn các vướng mắc, bất cập trong thực tế thời gian qua, đáp ứng được yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các đầu mối quản lý trong lĩnh vực môi trường. Khi thực hiện phương án này phải rà soát, quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Một số đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 2 và cho rằng việc có Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là cần thiết để phân định rõ trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp theo quy định của Luật Thủy lợi.

Cũng có ý kiến đề nghị chọn giữa phương án 1 và 2. Theo đó, chỉ tích hợp 7 loại giấy phép môi trường đối với các công trình thủy lợi có tính chất mở, liên thông, còn các công trình thủy lợi được xây dựng khép kín thì thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Đối với một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cả 2 phương án để đại biểu Quốc hội cho ý kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục