Những con thằn lăn bay không răng từng thống trị bầu trời

Theo một nghiên cứu mới đây, những con thằn lằn bay khổng lồ với sải cánh dài 12m từng thống trị bầu trời 60 triệu năm trước.
Những con thằn lăn bay không răng từng thống trị bầu trời ảnh 1Những con thằn lằn bay khổng lồ với sải cánh dài 12m. (Nguồn: livescience)

Theo một nghiên cứu mới đây, những con thằn lằn bay khổng lồ với sải cánh dài 12m từng thống trị bầu trời 60 triệu năm trước. Những sinh vật cổ đại biết bay này đã sống ở khắp nơi trên Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái cuối kỷ Creta.

Mặc dù có kích thước khổng lồ nhưng những con thằn lằn bay thuộc họ Azhdarchidae này lại không có răng.

 

Theo nghiên cứu, chúng đã thay thế những họ hàng có răng khác của mình trong vai trò là loài thống trị sau sự kiện lượng carbon dioxide tăng cao đột biến giết chết các loài sinh vật biển quan trọng có kích thước hiển vi, dẫn tới sự tuyệt chủng hàng loạt cách đây 90 triệu năm.

 

Alexander Averianov của Viện Khoa học Nga viết trong nghiên cứu mới về loài thằn lằn bay này như sau: "Sự chuyển giao vị trí thống trị từ loài thằn lằn bay có răng sang không răng phản ánh một số thay đổi cơ bản của hệ sinh thái kỷ Creta mà tới nay vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết hết."

 

Các bằng chứng hóa thạch cho thấy thằn lằn bay là những động vật có xương sống biết bay đầu tiên trên Trái Đất và đã bay lượn trên bầu trời từ cách đây khoảng 220 triệu năm. Một số loài thằn lằn bay có kích thước cực kỳ lớn, khiến chúng phải chạy lấy đà trước khi bay và gặp khó khăn khi hạ cánh, theo một nghiên cứu năm 2012.

 

Cái tên "Azhdarchidae" bắt nguồn từ một từ tiếng Ba Tư là "aždarha", có nghĩa là rồng. Những con thằn lằn bay không răng này đã sống cách đây 70 triệu năm, tức là cuối kỷ Creta.

 

Các nhà khoa học biết rất ít về thằn lằn bay, vì các hóa thạch của chúng hầu như không đầy đủ do xương thằn lằn bay dễ vỡ hơn xương các loài khủng long khác. Hầu hết các hóa thạch của họ thằn lằn bay Azhdarchidae được lưu giữ trong các lớp trầm tích mềm gọi là Konservat-Lagerstätten.

 

Loại hóa thạch này rất hiếm, khiến các nhà cổ sinh học gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu, đến nỗi họ gọi chúng là "cơn ác mộng thực sự" khi phân loại.

 

Trong nghiên cứu năm 2008 về họ thằn lăn bay Azhdarchidae, các nhà khoa học đã kiểm tra 32 mẫu xương, nhưng nghiên cứu của Averianov lại xẹm xét tới 54 mẫu hóa thạch đã phát hiện về họ thằn lằn bay này.

 

Những con vật khổng lồ này có khả năng đã sống ở nhiều môi trường khác nhau, nhưng sau khi xem xét các lớp trầm tích tại nơi phát hiện hóa thạch, Averianov phát hiện ra hầu hết những con vật không răng này hay sống gần hồ nước hay các dòng sông, cũng như dọc theo bờ biển.

 

Hầu hết các loài thuộc họ Azhdarchidae chỉ được nhận dạng dựa trên một vài mảnh xương. Những bộ xương hoàn chỉnh hơn được phát hiện lại không được bảo quản tốt, dẫn đến việc các nhà nghiên cứu không thể xác định chính xác số loài thằn lằn bay.

Sau khi xem xét lại các ghi chép phân loại, Averianov phát hiện ra các nhà cổ sinh vật học đã phân loại các loài thuộc họ Azhdarchidae dựa trên những bằng chứng hóa thạch rải rác, do đó có thể đã có sự phân loại nhầm một số mảnh xương.

 

Nghiên cứu phân loại này được đăng trên Nhật báo Zookeys./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục