Những kỷ niệm đầy xúc động “mùng ba tết thầy” ở điểm trường vùng khó

Hơn 20 năm "gieo chữ" trên cao nguyên đá Đồng Văn, cô Nhâm bảo mình chưa bao giờ được học trò chúc mừng trong những ngày lễ, Tết, nhưng cô không buồn mà chỉ thấy thương học trò hơn.
Những kỷ niệm đầy xúc động “mùng ba tết thầy” ở điểm trường vùng khó ảnh 1Cô Nguyễn Thị Minh Nhâm bên các học trò. (Ảnh: NVCC)

Hơn 20 năm trong nghề giáo, qua nhiều trường ở khắp vùng biên viễn Đồng Văn, cô Nguyễn Thị Minh Nhâm (Hiệu trưởng Trường Mầm non Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) thành thực bảo mình chưa từng được học sinh chúc Tết, thậm chí cũng chưa được nhận bông hoa nào từ học trò trong ngày 20/11.

“Đôi khi thấy các đồng nghiệp miền xuôi rộn ràng bên học sinh trong những ngày lễ, Tết, tôi cũng chạnh lòng, nhưng tôi lại thấy thương hơn những học trò nhỏ nơi vùng cao của mình vì các em phải chịu quá nhiều thiệt thòi,” cô Nhâm xúc động nói.

Cô Nhâm cho hay mỗi dịp Tết Nguyên đán, cô cũng như các đồng nghiệp của mình ở nhiều cấp học khắp miền rẻo cao này không nghĩ đến việc được học sinh chúc Tết mà chỉ có một mong mỏi là các em sẽ đến trường đông đủ sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.

[Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn]

Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thường ăn Tết rất lâu, chơi Tết đến hết tháng Giêng. Học sinh hết thời gian nghỉ theo quy định vẫn chưa muốn tới trường. Thậm chí, có những học sinh lớp lớn tính nghỉ học luôn sau Tết để phụ giúp gia đình do kinh tế quá khó khăn. Vì thế, sau mỗi đợt nghỉ Tết, các thầy cô giáo như cô Nhâm lại phải đi tới từng bản làng, từng ngôi nhà để gọi học sinh đi học.

Những kỷ niệm đầy xúc động “mùng ba tết thầy” ở điểm trường vùng khó ảnh 2Những cung đường đầy thử thách với giáo viên vùng khó. (Ảnh: NVCC)

Điểm trường mầm non thường đặt ngay ở các bản nên giáo viên có thể đi bộ chừng hai, ba cây số tới từng nhà nhưng ở các cấp học lớn hơn như tiểu học, trung học, trường đặt ở trung tâm xã, cách bản hàng chục cây số, đường đi lại vô cùng khó khăn, thầy cô phải đi xe máy trèo đèo lội suối cả ngày đường mới tới được nhà học sinh. “Thế nhưng, nhiều khi đến nơi gọi mãi trò cũng không chịu về trường,” cô Nhâm kể.

Băng rừng đi “bắt” học trò sau Tết Nguyên đán, thậm chí sau mỗi ngày Chủ nhật là công việc vô cùng khó nhọc và đòi hỏi nhiều tâm huyết của mọi giáo viên vùng khó. Cô Trần Thị Kim Hòa, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cho biết có những cung đường huyền thoại mà chỉ có chiếc xe chuyên dụng mới dám đi qua hay những ngày phải cuốc bộ mấy chục cây số từ làng đến khu chòi rẫy chỉ để tìm cho được một em học sinh. Tuy nhiều khi bực mình, nhưng nhìn các em đang phải chật vật mưu sinh trên rẫy thì trong cô chỉ còn nỗi xót thương.

Vì thế, với các giáo viên vùng cao, không cần học sinh phải tặng mình quà cáp, chỉ cần các em đến trường, chỉ cần các em chịu đi học đã là niềm vui lớn và là món quà giá trị nhất. Bởi lúc đó, thầy cô thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn khi những ánh sáng tri thức có thể sẽ soi cho các em một tương lai phía trước bớt nhọc nhằn hơn.

Những kỷ niệm đầy xúc động “mùng ba tết thầy” ở điểm trường vùng khó ảnh 3Cô Hoà chỉ mong học sinh chăm chỉ đến trường đã là một niềm vui lớn. (Ảnh: NVCC)

“Bạn bè tôi dạy ở vùng thuận lợi, ngày Tết, ngày lễ 20/11, họ mở cổng đón học sinh đến nhà, nào hoa tươi, nào quà cáp. Còn tôi thì đóng cửa để không ai thấy mình, hàng xóm sẽ không hỏi tôi: ‘Cô Hòa năm nay có học sinh đến nhà thăm không?’. Tôi có chạnh lòng không? Không! Họ không biết học sinh của tôi đã dành cho tôi những gì. Tôi sẽ không kể họ nghe những bó hoa rừng các em tặng tôi đẹp như thế nào, những bài hát các em tặng tôi hay làm sao...Tôi ích kỷ giữ lại cho riêng mình tất cả những gì tươi đẹp về các bạn nhỏ đặc biệt ấy. Không cầu, chẳng mong các em tìm đến nhà thăm, chỉ mong các em ngày ngày lên lớp đầy đủ là cô hạnh phúc,” cô Hòa xúc động nói.

Không mong học sinh đến nhà thăm nhưng các giáo viên vùng khó lại luôn nghĩ cách làm sao để học sinh có một cái Tết thật vui và ấm áp. Vì thế, mỗi dịp cuối năm, các thầy cô giáo trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám lại ngồi gói bánh đến gãy lưng, thức thâu đêm đêm thức bên bếp lửa hồng, lo cho học trò được ăn Tết như biết bao bạn bè cả nước.

“Yêu lắm, thương lắm khi các em được cầm trên tay những chiếc bánh thầy cô tặng để về nhà ăn Tết với gia đình. Những lúc ấy, tôi mới thấm thía câu ‘sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình,” cô Hòa nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục