Ninh Thuận, Nghệ An, Bình Thuận chủ động ứng phó với bão Rai

Để chủ động ứng phó với bão Rai, các địa phương không cho tàu thuyền ra khơi, sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm, đồng thời chủ động phòng, chống bão gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.
Ninh Thuận, Nghệ An, Bình Thuận chủ động ứng phó với bão Rai ảnh 1(Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN)

Để chủ động ứng phó với bão Rai, các địa phương không cho tàu thuyền ra khơi, sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm, đồng thời chủ động phòng, chống bão gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.

Ninh Thuận không cho tàu thuyền ra khơi từ 14 giờ ngày 17/12

Sáng 17/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận có Công điện khẩn số 6862/CĐ-Ủy ban Nhân dân yêu cầu các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với cơn bão Rai.

Cụ thể, tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển từ 14 giờ ngày 17/12. Các địa phương ven biển khẩn trương triển khai hoạt động đảm bảo an toàn lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 16 giờ ngày 17/12; trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

[Tiền Giang và Cà Mau chủ động ứng phó bão Rai, bảo vệ người dân]

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu ngành chức năng khẩn trương thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; kêu gọi tất cả tàu, thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão theo quy định tại các cảng Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná; sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố rà soát, có phương án ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn dân cư trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là tuyến đê, kè xung yếu, dễ bị sự cố, đang thi công. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, tình hình mưa lũ; tổ chức trực ban, kiểm tra an toàn hồ chứa, phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du.

Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, để chủ động ứng phó với bão Rai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó đã đề ra. Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão; khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 2.524 tàu thuyền, đến trưa 17/12 đã có 2.261 tàu với 12.852 lao động đã vào neo đậu, tránh trú tại các cảng trong tỉnh. 263 tàu thuyền đang hoạt động trên biển với 2.162 lao động đều đã nhận được thông tin về đường đi của bão Rai để di chuyển đến nơi an toàn.

Nghệ An chủ động phòng, chống gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương, các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về ứng phó với siêu bão Rai dự báo có khả năng ảnh hưởng đến địa phương.

Sáng 17/12, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng và các cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát, nắm thông tin các tàu thuyền của tỉnh còn hoạt động trên biển; hướng dẫn tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú bão.

Các địa phương rà soát, chuẩn bị sẵn các phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; trong đó có việc bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, tài sản trên các đảo và trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Ninh Thuận, Nghệ An, Bình Thuận chủ động ứng phó với bão Rai ảnh 2(Ảnh: TTXVN phát)

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh chỉ đạo, rà soát các phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão khi có yêu cầu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, siêu bão Rai có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp, có thể đe dọa trực tiếp đến an toàn của tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển của tỉnh.

Với đặc thù tại địa phương, Nghệ An có nhiều khó khăn trong việc ứng phó với bão, rất nguy hiểm nếu bão ảnh hưởng trực tiếp tại địa phương.

Nguyên nhân do tỉnh có bờ biển dài trên 82km, khoảng 4.000 tàu thuyền với rất nhiều lao động liên quan đến biển. Tại các cửa sông, cửa biển và vùng miền núi, nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét mỗi khi có mưa, gió lớn là rất cao.

Bình Thuận chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn

Sáng 17/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có Công điện khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai phương án chủ động ứng phó với bão Rai.

Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Thuận, nhất là huyện đảo Phú Quý, đảo đảm an toàn về người, tài sản và các phương tiện hoạt động trên biển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển.

Các địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng trong khu vực, thông báo cho chủ phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của bão để phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; chỉ đạo và phối hợp với Ban Quản lý Cảng, khu neo đậu tránh trú bão tạo điều kiện cho tàu cá, phương tiện vận tải, thuyền viên các địa phương khác vào tránh trú bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của tàu, thuyền, phương tiện vận tải; hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại khu neo đậu, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.

Các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát khu vực bị sạt lở ven biển, nhất là khu dân cư, khu du lịch để chủ động sơ tán người, khách du lịch (nếu có) và tài sản đến nơi an toàn.

Ngoài ra, các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ,” phương án ứng phó, kế hoạch di dời, sơ tán dân ở vùng ven biển, vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, dự báo mưa, lũ, sạt lở, vùng đang bị sạt lở để chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn, đồng thời, phòng chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục