'Nói không nên phạt tiền giáo viên thì nghe rất buồn cười'

Xâm phạm thân thể, nhân phẩm trẻ em thì mọi công dân đều bị phạt theo pháp luật, tại sao giáo viên lại không? Nói không nên phạt tiền với giáo viên nghe rất buồn cười," tiến sỹ Lê Trường Tùng chia sẻ.
'Nói không nên phạt tiền giáo viên thì nghe rất buồn cười' ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp của người dân. Nội dung Dự thảo đang thu hút sự quan tâm của công luận, nhất là ở Điều 32, khi quy định: "Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học."

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường trung học phổ thông FPT, về vấn đề này.

Không có đặc quyền cho giáo viên

- Thưa ông, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhất là về việc xử phạt khi xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm người học. Là lãnh đạo hệ thống trường phổ thông liên cấp FPT, quan điểm của ông như thế nào?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Trước hết, phải khẳng định, không ai có quyền xâm phạm thân thể, tinh thần của trẻ em, điều này đã được quy định trong Luật Trẻ em. Nghị định 144/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2013.

Giáo viên cũng là một công dân, và cũng phải tuân thủ theo pháp luật.

Vì thế, nội dung này trong Dự thảo Nghị định là không mới, thậm chí có chồng chéo với các văn bản pháp luật đã ban hành như Nghị định 144. Nghị định chỉ nên quy định các chế tài bổ sung như vi phạm mấy lần thì đình chỉ công tác trong thời gian bao lâu, vi phạm bao nhiêu lần và ở mức độ nào thì đưa ra khỏi ngành.

[Xâm phạm thân thể học sinh, giáo viên có thể bị phạt 30 triệu đồng? ]

- Một số ý kiến cho rằng không nên phạt tiền với giáo viên vì sẽ làm méo mó hình ảnh người thầy, và lương giáo viên thấp. Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Là một công dân, mọi hành vi sai đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Ở đây không có khái niệm nên với không nên.

Quan trọng là hành vi gì chứ không phải anh là ai. Giáo viên dường như lại đang phản ứng như là mình nằm ngoài luật, rằng do đặc thù ngành của mình thì mình được phép làm như vậy. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm trẻ em thì mọi công dân đều bị phạt theo pháp luật, tại sao giáo viên lại không? Nếu anh sợ không đủ tiền nộp phạt, anh đừng vi phạm. Nói không nên phạt tiền với giáo viên, nghe rất buồn cười.

'Nói không nên phạt tiền giáo viên thì nghe rất buồn cười' ảnh 2Tiến sỹ Lê Trường Tùng. (Ảnh: FPT)

- Có giáo viên cho rằng nghề giáo chịu nhiều áp lực và đôi khi việc xử phạt như vụ vào tay, véo tai… là biện pháp nhẹ để giúp học sinh sửa sai. Cũng công tác trong lĩnh vực giáo dục, ông thấy điều này có hợp lý?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Đúng là nghề giáo chịu nhiều áp lực, sỹ số đông, học sinh quậy. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng mọi nghề đều có áp lực riêng, và cũng vì thế, mỗi nghề đòi hỏi người làm nghề phải có tố chất riêng để chịu được các áp lực đó. Nếu không chịu được áp lực, nghĩa là anh không có tố chất phù hợp với nghề, và nên chuyển nghề. Ví dụ người bán hàng thì phải kiên nhẫn, khách khó tính vẫn phải mềm mỏng.

Về nguyên tắc, tát, véo tai, gõ thước vào tay đều là xâm phạm thân thể học sinh. Giáo viên không giữ được bình tĩnh và phải dùng đến những hành vi như vậy thì không đủ tố chất để làm trong ngành sư phạm. Nói đánh học sinh để dạy các em là cách nói ngụy biện cho sự thiếu năng lực sư phạm của người thầy. Nếu một giáo viên có thói quen bạo lực như vậy thì không phù hợp với ngành sư phạm trong thời buổi hiện nay và tốt nhất nên chuyển ngành.

Cần phổ biến pháp luật cho giáo viên, học sinh

- Không dùng bạo lực, vậy có giải pháp nào để giáo dục học sinh khi phạm lỗi, thưa ông?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Nguyên tắc là học sinh vi phạm nội quy thì phải phạt, nhưng hình phạt như thế nào phù hợp và văn minh. Đã qua thời phạt bằng bạo lực, chưa kể đó còn là hành động phạm luật.

[Khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo trong năm học mới]

Trước tiên là phải đưa ra quy định cụ thể những điều gì không được làm, nếu vi phạm thì với từng điều cấm đó, sẽ bị xử lý kỷ luật như thế nào, mức độ ra sao. Tất nhiên, sẽ có trường hợp học sinh có hành động chưa đúng và mình cũng chưa kỷ luật được vì hành vi đó chưa có trong quy định, nhưng đó cũng là cơ hội để có thể bổ sung. Giả sử có nhiều người vi phạm thì có nghĩa chế tài chưa đủ tầm, và phải phải nâng phạt lên.

Về hình thức kỷ luật, có nhiều biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

Ví dụ như ở Trường Phổ thông trung học FPT, chúng tôi phạt bằng hình thức lao động công ích. Với từng lỗi, học sinh có thể bị phạt trực lớp, quét lớp, phạt làm vườn, tưới cây... Một số trường khác thì áp dụng bắt học sinh chép bài, làm thêm bài về nhà, đứng úp mặt vào tường, đứng góc lớp nếu nói chuyện riêng.

Ở mình nhiều khi chế tài không rõ ràng, trong trường không quy định cụ thể những lỗi gì có thể phạt theo hình thức gì, mức độ thế nào, nên thầy cô phạt theo bản năng.

'Nói không nên phạt tiền giáo viên thì nghe rất buồn cười' ảnh 3Ông Tùng cho rằng nghề giáo đòi hỏi sự tận tâm, kiên nhẫn, giàu lòng vị tha (Ảnh: TTXVN)

- Rõ ràng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hình thức xử phạt khi xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm học sinh, nhưng vẫn xảy ra các vụ giáo viên xâm phạm học sinh trong các nhà trường. Vì thế, nhiều người cũng lo ngại về tính khả thi của Dự thảo Nghị định. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân và làm cách nào để những văn bản pháp luật này thực sự có hiệu quả?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Có yếu tố hết sức quan trọng là trong phòng học chỉ có giáo viên và học sinh. Học sinh thông thường có lỗi mới bị phạt. Khi đó, các em sẽ sợ nói với bố mẹ, vì nói nghĩa là thú nhật mình phạm lỗi. Hơn nữa, nhận thức của học sinh còn hạn chế, nên có khi các em nghĩ bị phạt là đúng vì có lỗi. Các học sinh khác cũng nghĩ như vậy và không ý kiến.

Các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh bị phanh phui thường đã ở mức cao, khi học sinh có vết trên người và bố mẹ phát hiện ra.

Đó là xâm phạm thân thể, còn xâm phạm tinh thần thì còn khó phát hiện hơn.

Vì thế, việc này liên quan đến nhận thức của giáo viên. Giáo viên phải hiểu rằng đây là hành vi không được phép làm.

Muốn luật đi vào cuộc sống thì giáo viên phải nắm vững luật và học sinh cũng phải biết về quyền của mình.

Ở Việt Nam, bản thân việc nhận thức về pháp luật của giáo viên còn thấp. Thầy cô có khi không biết về những điều mình được và không được làm. Học sinh lại càng không biết.

Nếu giáo viên nắm được và học sinh cũng được những điều giáo viên không được làm thì giáo viên sẽ phải điều chỉnh cách ứng xử. Học sinh biết về quyền của các em trong lớp thì chính các em sẽ giám sát giáo viên.

- Vậy theo ông, việc phổ biến những nội dung đó thuộc trách nhiệm của ai?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đầu năm học, Bộ phải quy định trường phải tổ chức phổ biến pháp luật liên quan đến học sinh, giáo viên cho giáo viên và học sinh biết.

Nếu triển khai tốt việc này thì chắc chắn sẽ hạn chế được bạo lực học đường. Khi chính giáo viên dạy học sinh về việc không ai được phép xâm phạm thân thể, tinh thần của của các em thì giáo viên sẽ phải làm gương, không thể đánh học sinh. Khi đó, học sinh cũng sẽ là người giám sát hành vi của giáo viên và không coi việc bị giáo viên đánh khi phạm lỗi là bình thường.


- Xin cảm ơn ông!

Khoản 2, Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây

a) Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em.

b) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em.

c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần.

đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.

Điều 31, Nghị định 144/2013/NĐ-CP:  Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lăng nhục, chửi, mắng, bắt làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.
 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục