Nữ thí sinh rửa bát thuê lấy tiền dự thi trung học phổ thông

Lên Hà Nội từ ngày 25/6, việc đầu tiên của Thúy chưa phải là tập trung ôn luyện cho kỳ thi trung học phổ thông đã cận kề mà tới một quán ăn, xin làm rửa bát với giá 30.000 đồng/giờ.
Nữ thí sinh rửa bát thuê lấy tiền dự thi trung học phổ thông ảnh 1Thúy đã được hỗ trợ chỗ ăn, ở trong ký túc xá Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: Việt Phương/Vietnam+)

Lên Hà Nội từ ngày 25/6, việc đầu tiên của Thúy ​chưa phải là tập trung ôn luyện cho kỳ thi trung học phổ thông đã cận kề mà tới một quán ăn, xin ​làm rửa bát với giá 30.000 đồng/giờ.

Đó là thí sinh Lê Thị Thúy, quê Xuân Trường, Nam Định.

150.000 đồng và ước mơ của mẹ.

Thúy là con thứ 6 trong một gia đình có đình 7 anh chị em. Căn nhà vốn dĩ có 9 người giờ chỉ còn có Thúy, mẹ và cô em gái, vì 3 người anh trai đã mất từ lâu, còn bố và 2 anh chị, người nào cũng đi xa xứ, hành nghề tự do để nuôi gia đình. Bố em đội vật liệu thuê cho các công trình, còn chị gái thì thu mua phế liệu.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết năm học lớp 12, Thúy phải đứng trước hai lựa chọn: ở nhà đỡ đần mẹ hay tiếp tục nuôi giấc mơ đại học?

“Em rất muốn được đi học, nhưng học đại học rất tốn kém. Hơn nữa, em đi xa thì không có ai ở nhà đỡ đần mẹ, lo cho em,” Thúy buồn rầu nói.

Khi cô con gái vẫn còn đang phân vân giữa việc chỉ thi tốt nghiệp ở Nam Định và không thi đại học, hay lên Hà Nội thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa có cơ hội vào đại học thì chính mẹ em đã là người động viên, cổ vũ Thúy tiếp tục giấc mơ của mình.

​Em- chia sẻ: “Mẹ bảo mẹ không muốn con gái mẹ phải nghỉ học, để rồi phải vất vả lăn lộn với cuộc sống như mẹ, như bố, như anh, như chị. Trước khi đi, mẹ đặt vào tay em 150.000 đồng làm lộ phí.”

Cầm số tiền nhỏ chắt chiu của mẹ, Thúy bắt xe lên Hà Nội. Em ở cùng chị gái, hiện đang hành nghề thu mua phế liệu, trọ trong một xóm xập xệ nằm sâu trong ngõ nhỏ trên phố Thái Hà.

Trong khi hàng trăm nghìn thí sinh khác đang vùi đầu vào sách vở để chuẩn bị cho ngày thi đã cận kề, cô học trò Nam Định lại khởi động mùa thi bằng cách tìm việc để tự lo cho mình trong những ngày thi sắp tới.

“Vừa đến chỗ trọ của chị, em đi loanh quanh kiếm việc luôn để trang trải sinh hoạt hàng ngày, vừa để khám phá Thủ đô,” Thúy hồn nhiên kể.

Thúy ra ngay quán bia hơi đầu ngõ xin một chân rửa bát thuê và được trả 30.000 đồng/giờ. Em nhờ chị gái mình trong lúc đi thu mua phế liệu quanh phố hỏi dò các nhà có cần giúp việc, dọn dẹp nhà cửa với giá 20.000 đồng/giờ. Cô học trò siêng năng cứ thế tất bật từ ngày 25/6, sáng ở nhà ôn bài, có ai gọi dọn dẹp là đi, chiều nấu cơm cho chị và tối xếp gọn sách vở để ra quán bia rửa bát.

Mơ ước làm bác sỹ

Bà Nam đang cặm cụi trong bếp, bỗng nghe thấy tiếng rao quen thuộc của cô ve chai. Nhưng hôm nay, sau câu rao mọi ngày, cô ve chai dựng xe, chạy lại hỏi thêm bà có cần người dọn dẹp nhà cửa không.

Sẵn căn nhà hơi bề bộn, cũng biết chị ve chai này vốn thật thà, bà Nam đồng ý. Chị ve chai phấn khởi đạp xe về nhà đèo cô em gái mình tới... Và thế là Thúy gặp được bà Lê Thị Nam, quản lý nhà sinh viên số 11, Đại học kinh tế Quốc dân.

“Thúy bước vào nhà tôi, lễ phép chào hỏi và ngay lập tức bắt đầu công việc của mình. Nhìn cháu, tôi đoán ra ngay cô bé chỉ khoảng 17, 18 tuổi. Dò hỏi một lúc mới vỡ nhẽ ra Thúy thi ngay điểm trường Đại học Kinh tế quốc dân, nơi mình làm việc,” bà Nam chia sẻ.

Cả buổi chiều dọn dẹp, Thúy cứ vô tư kể chuyện của mình, không để ý hay biết sự xúc động của bà chủ nhà. Bụng bảo dạ, bà Nam quyết định phải giúp cô bé tới cùng. Ban đầu, bà đề nghị đưa đón chở Thúy đi thi. Nhận ra sự ngạc nhiên xen lẫn dè dặt của cô bé, bà liền chỉ cho Thúy xem bộ đồng phục ở trường của mình, đồng thời qua nói chuyện với chị gái Thúy.

“Cô chị gái không biết đi xe máy, lại không rành chuyện thi cử. Ban đầu Thúy nhất quyết từ chối và nói sẽ tự đi bằng xe buýt. Tôi phải thuyết phục lắm cháu mới chịu”.

Chứng kiến điều kiện sinh hoạt không bảo đảm cho việc học tập của Thúy, bà Nam đã đề xuất tới Ban giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo của Đại học Kinh tế quốc dân để giúp đỡ cô bé và ngay lập tức được chấp thuận.

Không chỉ được ở trong ký túc xá của trường trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, Thúy còn được sự hỗ trợ toàn phần của Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo, Đại học kinh tế quốc dân.

Giờ đây, trong căn phòng của nhà ký túc xá số 11, trường Đại học kinh tế quốc dân, Thúy đã có thể yên tâm ôn bài để chuẩn bị hoàn thành nốt các môn thi còn lại của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. 

“Đó là một cô bé rất nghị lực, đáng khâm phục,” ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo Đại học kinh tế quốc dân nói. Cũng theo ông Tuấn, Trung tâm sẽ giới thiệu cho em một việc làm sau kỳ thi (dù đỗ hay không), nếu em vẫn muốn ở lại Thủ đô.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Thúy chia sẻ: “Em muốn đỗ trường Đại học Y Hà Nội bởi ước mơ lớn nhất của em là trở thành bác sỹ. Cả 3 anh trai em đều đã mất vì tai nạn, vì bệnh tật, bố mẹ và chị cũng đều bị ảnh hưởng sức khỏe vì lao động quá sức, nên em muốn làm nghề này, để cứu được nhiều người, cứu được cả gia đình mình”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục