Peru lập căn cứ quân sự tại Amazon để đối phó nạn phá rừng

Cảnh sát Peru phát hiện tại khu bảo tồn Tambopa xuất hiện một ngôi làng với 350 người sinh sống bất hợp pháp, khai thác mỏ gây ô nhiễm thủy ngân, để lại một sa mạc cát lớn giữa rừng nhiệt đới Amazon.
Peru lập căn cứ quân sự tại Amazon để đối phó nạn phá rừng ảnh 1Nhiều hecta rừng ở Peru mất trắng vì nạn khai thác vàng. (Nguồn: AFP) 

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, các nhà chức trách Peru thông báo vừa thiết lập một căn cứ quân sự tại vùng rừng Amazon nhằm tăng cường ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản bất hợp pháp, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng phá rừng.

Bộ trưởng Quốc phòng Peru, ông José Huerta, cho biết đây là căn cứ quân sự đầu tiên trong tổng số 4 cơ sở được chính phủ dự kiến xây dựng tại khu bảo tồn thiên nhiên Tambopata ở vùng Madre de Dios, nơi đang có nạn khai thác khoáng sản bất hợp pháp hoành hành.

Mỗi căn cứ sẽ có 100 binh sỹ, 50 cảnh sát và một công tố viên lưu trú trong thời gian 6 tháng để quản lý và bảo vệ rừng.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẽ sử dụng các thiết bị bay không người lái, vệ tinh, máy bay quân sự và nhiều thiết bị khác để tuần tra những khu vực xa xôi.

Trước đó, hôm 19/2 vừa qua, 4 máy bay quân sự và cảnh sát Peru đã phát hiện một ngôi làng có khoảng 350 người sinh sống bất hợp pháp tại khu bảo tồn Tambopata.

Những người này đã tiến hành nhiều hoạt động khai thác mỏ trái phép, gây ra tình trạng ô nhiễm thủy ngân và để lại một sa mạc cát lớn giữa rừng nhiệt đới Amazon. Tuy nhiên, họ đã kịp bỏ trốn trước khi lực lượng chức năng tìm đến nơi.

[Rừng Amazon: Lá phổi xanh của thế giới bị tàn phá ở mức độ gây sốc]

Peru bắt đầu tăng cường triển khai chiến dịch ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản bất hợp pháp tại Amazon sau khi Giáo hoàng Francis kêu gọi quốc gia Nam Mỹ này bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng người bản địa.

Theo số liệu thống kê, tình trạng khai thác mỏ trái phép, chủ yếu là vàng, làm Peru mất hơn 9.000ha rừng trong năm ngoái, đồng thời gây ra nhiều vụ buôn người, buôn bán thủy ngân, giết người và mại dâm tại Amazon.

Hình ảnh vệ tinh thu được từ Dự án giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) cũng cho thấy diện tích rừng bị tàn phá tại Peru trong 2 năm qua đã lên tới 18.440ha, tương đương 25.000 sân bóng đá.

Với tổng diện tích khoảng 7 triệu km2, rừng Amazon là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới, nằm trên lãnh thổ của 9 quốc gia, trong đó phần lớn tập trung tại Brazil và Peru./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục