Phải nghiên cứu giống cây chịu mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh việc quy hoạch lại diện tích nông nghiệp, các tổ chức khoa học cần nghiên cứu ra cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu mặn, cho năng suất và chất lượng cao cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Phải nghiên cứu giống cây chịu mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Quân. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trước thực trạng đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với đợt hạn và mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua, nhiều câu hỏi đặt ra về việc ngành khoa học sẽ vào cuộc như thế nào để giúp người dân “sống chung với mặn.”

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Thưa Bộ trưởng, trước tình trạng biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ trưởng, để chống ngập mặn, chúng ta phải làm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:
Một là chúng ta phải nghiên cứu những giống cây chịu mặn cho năng suất và chất lượng tốt và thực tế, tại Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu được giống lúa chịu mặn, năng suất cao nhưng chất lượng của loại gạo này lại có vấn đề. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp sau này chúng ta có thể phát triển để đảm bảo an ninh lương thực.

Hướng thứ hai là cần quy hoạch lại diện tích để những đất trồng lúa tốt thì giữ cho mặn không xâm nhập. Còn những vùng đất đã bị nhập mặn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ đưa giống cây, vật nuôi phù hợp.

Về thủy lợi, ngoài biện pháp làm đê ngăn mặn, tạm thời chúng ta có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu của ngành thủy lợi về đập sà lan. Khi mực nước xuống thấp thì dùng đập chắn để dâng cao mực nước ngọt. Như vậy có thể giảm bớt việc xâm ngập mặn và giữ được nước ngọt cho cây lúa.

Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời và phải nghiên cứu để đảm bảo nước ngọt cho cả vùng đồng bằng rộng lớn, chống xói lở khi phù sa không về.

- Với tình hình biến đổi khí hậu, có ý kiến cho rằng nên sử dụng cây trồng biến đổi gene. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:
Ở Việt Nam, nghiên cứu cây trồng biến đổi gene không phải là ít và cũng không mới.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học có 2 quan điểm trái ngược. Một là mong muốn phát triển loại cây trồng này để thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Ở chiều ngược lại, người ta cho rằng cây trồng biến đổi gene vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Ngay cả nghiên cứu khoa học của thế giới cũng chưa có ai khẳng định tác hại về lâu dài của công nghệ này thế nào.

Hiện, có nhiều quốc gia trên thế giới cấm, nhưng cũng có những nước khác lại ủng hộ, phát triển mạnh loại cây trồng này. Hiện, có nhiều công trình nghiên cứu, giống cây biến đổi gene tại Việt Nam, có giống cây do Việt Nam tạo ra nhưng đưa nó trở thành cây trồng chính trên diện tích rộng thì phải rất cẩn trọng.

Phải nghiên cứu giống cây chịu mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Cánh đồng lúa đến kỳ thu hoạch bị chết khô, nứt nẻ vì khô hạn, nhiễm mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

- Thưa Bộ trưởng, về việc giúp nông dân chống hạn, mặn, Bộ Khoa học và Công nghệ có chỉ đạo gì cho các đơn vị trực thuộc tập trung vào nghiên cứu, giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:
Thực ra các đơn vị nghiên cứu không trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nên chúng tôi không chỉ đạo trực tiếp. Tuy nhiên, qua làm việc với các đơn vị như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường…, chúng tôi đưa ra khuyến cáo. Từ đó, các cơ quan này sẽ đưa ra định hướng để các đơn vị, tập đoàn tập trung nghiên cứu định hướng mà chúng tôi khuyến cáo.

Về phía mình, chúng tôi lo bố trí kinh phí và tìm cách phối hợp các đơn vị nghiên cứu của các bộ ngành với nhau để các kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng một cách hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục