Đồng bằng sông Cửu Long những ngày tháng Ba quay quắt trong hạn, mặn. Vựa lúa bị thiệt hại nặng nề, thủy sản, trái cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt, nhiều nơi rơi vào tình cảnh thiếu hụt nước ngọt khốc liệt.
Để chủ động chống hạn, mặn, nhiều cư dân, nhà khoa học trong vùng có những tính toán, cách thức thích ứng với hạn, mặn, đạt hiệu quả nhất định bước đầu.
Trữ nước lũ
Giữa trưa tháng Ba, bên Quốc lộ 54, ông Lê Hoàng Tân ở ấp Vĩnh Tắc, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngồi thảnh thơi dưới bóng cây như không hề biết đến cảnh khô hạn đang diễn ra ở nhiều nơi cũng như lần đầu tiên trong lịch sử, nước mặn đã xâm nhập một số xã của huyện Trà Ôn.
Ông Tân khoe: Phía sau nhà có mấy cái ao trữ nước sâu lắm, chưa cạn bao giờ. Ở vùng đất giồng này, những cái ao trữ nước sâu khoảng 4m, rộng chừng 1.000m2 đáp ứng bơm tưới cho 500m2 trồng cỏ suốt mùa khô, không lo thiếu nước tưới. Năm nay. thấy mực nước ao 1.000m2 đã cạn hơn năm trước, lại nghe dự báo khô hạn kéo dài nên ông đã đào dự phòng thêm một cái ao 500m2.
Việc trữ nước từ mùa lũ để sử dụng trong mùa khô là một trong những giải pháp thích ứng hạn, mặn được đánh giá hiệu quả với Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, về lâu dài Đồng bằng sông Cửu Long phải đặt ra vấn đề trữ nước lũ để sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Đó là việc đào ao, kênh để trữ nước lũ, góp phần giảm tác động của lũ, phân tán lũ, hạn chế mức thiệt hại do lũ gây ra.
Đồng thời, trữ nước lũ cũng sẽ góp phần giảm đáng kể xâm nhập mặn ở hạ lưu vào mùa khô. Vì Đồng bằng sông Cửu Long thường thừa nước lũ trong mùa mưa nhưng vào mùa khô, lượng nước tưới lại bị khan hiếm.
Chuyển đổi cây trồng
Trước tình hình hạn, mặn khốc liệt, nhiều nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chuyển đổi cây trồng phù hợp thời tiết, điều kiện canh tác.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết năm nay, nhiều nông dân Cà Mau trúng mùa đậu xanh do mưa ít, thời tiết khô hạn. Nông dân xã Khánh Bình Tây và xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời trồng hơn 1.100ha đậu xanh đều trúng mùa, bán được giá. Thậm chí, nhiều nông dân lợi dụng ruộng khô hạn đã gieo đậu xanh vào ngay những chỗ nứt nẻ cũng đạt năng suất cao từ 2,5-3 tấn/ha. Thương lái đã tới tận ruộng mua đậu xanh với giá từ 30.000-32.000 đồng/kg.
Mưa dứt sớm, nắng kéo dài là điều kiện thuận lợi để trồng đậu xanh. Năm nay, do được dự báo tình hình khô hạn sớm nên nông dân tỉnh Cà Mau mạnh dạn chuyển sang trồng cây đậu xanh. Những hộ trồng sớm đều được mùa, cây đậu đạt năng suất cao. Đây là vụ đậu xanh trúng mùa nhất so từ trước đến nay.
Tại Cà Mau, cây đậu xanh đang là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trong tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng, khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.
Những ngày này, nhiều ruộng lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 dọc Quốc lộ 61C thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang vừa được thu hoạch xong. Nông dân không sản xuất tiếp vụ lúa Hè Thu mà nhiều người thuê máy xúc đào lên liếp trồng màu.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa đang thuê hai máy xúc đào 5 công ruộng tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) để lên liếp trồng màu.
Ông cho biết: "Tôi trồng lúa mấy chục năm nay nhưng nghe dự báo mùa khô này sẽ thiếu nước tưới nên tôi lên liếp trồng xoài, tỉa ngô xen canh lấy ngắn nuôi dài, không dám trồng lúa sợ khó khăn nước tưới, lúa sẽ mất mùa. Tôi dự kiến sẽ gắn hệ thống tưới phun cho diện tích lên liếp trồng màu nhằm tiết kiệm nước tưới."
Tại tỉnh Hậu Giang, những năm trước đây, ông Võ Văn Năng ở ấp Một, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy luôn trồng 2 vụ dưa và một vụ lúa Hè Thu. Năm nay, ông Năng không trồng vụ lúa Hè Thu mà tiếp tục trồng hơn 3ha dưa các loại, trong đó có 1,5 ha dưa lê và 1,5 ha dưa hấu.
Ông Năng cho biết diện tích đất nhà ông ở khu vực được dự báo có thể bị mặn xâm nhập, thiếu nước tưới nên nếu trồng lúa, mức độ rủi ro thiệt hại sẽ rất cao. Vụ này, ông tiếp tục trồng vụ dưa thay vụ lúa Hè Thu, vì cây dưa ít sử dụng nước tưới hơn, có thể chịu được khô hạn tốt hơn cây lúa.
Tưới đủ cho cây
Cùng với việc trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì việc sử dụng nước ngọt một cách tiết kiệm, hiệu quả cũng là vấn đề được đặt ra trong tình hình hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, việc tiết kiệm một khối nước sẽ dễ hơn là tìm thêm một khối nước nơi vùng Châu thổ sông Cửu Long trong tình hình hạn, mặn khốc liệt. Cư dân Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm, áp dụng những giải pháp kỹ thuật trong tiết kiệm nước cho nông nghiệp như việc chọn cây trồng và vật nuôi ít tiêu thụ nước; cân nhắc, bố trí thời vụ canh tác hợp lý; chống thất thoát nước trên đồng ruộng; xác định thời điểm cần cung cấp nước; tận dụng các nguồn nước thải để tưới hay sử dụng phương pháp tưới hiệu quả...
Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc tiết kiệm nước dễ áp dụng nhất, nhanh nhất chính là việc áp dụng phương pháp tưới hiệu quả. Người dân Tây Nam Bộ cần phải thay đổi thói quen từ tưới cho đất sang tưới cho cây; làm sao cung cấp lượng nước cho cây đủ nước chứ không phải cung cấp đủ nước cho đất như lâu nay vẫn làm.
Các phương pháp tưới khác nhau sẽ cung cấp đủ nước cho cây trồng cũng như sẽ cho hiệu quả tiết kiệm nước khác nhau, như phương pháp tưới tràn cho hiệu quả tiết kiệm nước từ 40-60%, phương pháp tưới rãnh tiết kiệm nước từ 50-70%, tưới phun mưa tiết kiệm nước từ 70-85%, tưới phun di động tiết kiệm nước từ 80-90% và tưới nhỏ giọt tiết kiếm 90-95% lượng nước tưới.
Như vậy, những tính toán, cách thức cư dân nơi đây đang làm để tồn tại trước đợt hạn, mặn khốc liệt lịch sử cũng là một trong những dữ liệu thực tiễn phù hợp với Bản Kế hoạch châu thổ của Chính phủ Hà Lan đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam về cách tiếp cận bền vững và lựa chọn các phương án đầu tư tiết kiệm, hiệu quả cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo kế hoạch, từ nay đến 2050, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như đối với vùng thượng nguồn châu thổ, phải thực hiện kiểm soát lũ, chuyển đổi sản xuất và sử dụng đất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp vùng lũ và tạo không gian chứa lũ. Đối với khu vực ven biển, cần quản lý kinh tế mặn và biến động bờ biển, phát triển kinh tế nuôi trồng bền vững kết hợp rừng ngập mặn, trồng rừng ngập mặn và tăng khả năng bảo vệ dải ven biển, xây dựng hệ thống kè tạo bãi.
Rõ ràng, để phát triển bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long cần có nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân trong khu vực cùng vào cuộc. Đó chính là sự chung sức, đồng lòng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương, địa phương, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tìm ra hướng đi đúng đắn giúp Châu thổ sông Cửu Long phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngắn hạn và dài hạn được bền vững, hiệu quả./.