Phát triển du lịch về nguồn: Tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến

Quan tâm phát triển du lịch về nguồn, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng điểm mạnh của loại hình du lịch này tại các địa phương chính là sự phong phú và đa dạng của điểm đến.
Phát triển du lịch về nguồn: Tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến ảnh 1Một góc Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, thị xã Châu Đốc, An Giang. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Có thế mạnh và đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch về nguồn, song hiện nay tại nhiều địa phương Nam Bộ, việc phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử vẫn còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng.

Do đó, các địa phương đề ra giải pháp đổi mới sản phẩm du lịch theo hướng tăng cường kết nối các điểm đến, hoàn thiện câu chuyện, bài thuyết minh liên quan đến di tích hay bổ sung dịch vụ thu hút du khách để tăng sức hấp dẫn, góp phần phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Quan tâm phát triển du lịch về nguồn, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng điểm mạnh của loại hình du lịch này tại các địa phương chính là sự phong phú và đa dạng của điểm đến. Số lượng di tích lớn, các di tích được phân bố rộng khắp là nguồn tài nguyên để đơn vị lữ hành thiết kế, hoàn thiện tour, tuyến theo từng chủ đề như thăm lại chiến trường xưa, du lịch tâm linh, du lịch thiện nguyện, tham quan, học tập, trải nghiệm.

Thạc sỹ Nguyễn Thành Nam, Trường Đại học Hoa Sen phân tích hiện nay tính liên kết giữa các điểm du lịch về nguồn và danh thắng khác đã được chú trọng, tạo thành tour, tuyến du lịch hoàn thiện, tăng thêm sự thú vị cho du khách. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, du lịch về nguồn vẫn còn hạn chế, cần sớm được khắc phục.

Đó là chưa đồng bộ trong việc trùng tu, tôn tạo di tích, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu sự gắn kết; nguồn nhân lực nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Một số di tích chưa thu hút nhiều khách du lịch do thiếu các hoạt động hoặc dịch vụ bổ sung để tăng tính hấp dẫn của điểm đến.

[Phát triển du lịch về nguồn: Mỗi điểm đến là một địa chỉ đỏ]

Từ góc độ địa phương, nhìn nhận về phát triển du lịch gắn với di tích, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An chia sẻ tại địa phương, sản phẩm du lịch phần lớn mới dựa vào giá trị tài nguyên sẵn có, nhất là các điểm di tích lịch sử-văn hóa. Một số di tích đồng thời là điểm đến du lịch mới được đầu tư trùng tu, tôn tạo là chính, còn kết cấu hạ tầng như đường vào, cảnh quan, môi trường, chất lượng phục vụ liên quan đến đội ngũ hướng dẫn viên, giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm, dịch vụ thông tin... chưa đáp ứng yêu cầu của du khách.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý Di tích, Bảo tàng thành phố Cần Thơ Lê Thị Thanh Thùy, nhiều di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn thành phố đã được đầu tư tu bổ, có môi trường cảnh quan sạch đẹp, có đường giao thông thủy-bộ thuận tiện.

Mỗi năm, các di tích ở Cần Thơ thu hút trên 315.000 lượt khách. Cùng với những thuận lợi, một số khó khăn vẫn tồn tại như khu vực di tích chưa có quầy lưu niệm, phòng nghe-nhìn để mang đến cho du khách nhiều hơn thông tin liên quan, nên chưa tạo thêm được sự hấp dẫn, thu hút nhiều khách đến tham quan. Đội ngũ thuyết minh viên tại các quận, huyện cơ bản đảm bảo việc giới thiệu nội dung giá trị của di tích, nhưng tại một số nơi, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ của thuyết minh viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ khách quốc tế.

Tăng kết nối, đổi mới hành trình

Phát huy thế mạnh tài nguyên, nâng cao hiệu quả của loại hình du lịch gắn với điểm đến là các di tích lịch sử không chỉ góp phần thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho phát triển du lịch, bổ sung nguồn kinh phí phục vụ trùng tu, bảo tồn di tích, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân nơi có di tích. Vì vậy, tạo sự kết nối, đổi mới hành trình tour để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm, thu hút du khách là việc làm rất cần thiết.

Đề xuất giải pháp phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử, Thạc sỹ Nguyễn Thành Nam, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng cần tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp du dịch, xây dựng hành trình tour theo chủ đề, nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa của du khách nói riêng và nhân dân nói chung.

Phát triển du lịch về nguồn: Tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến ảnh 2Đoàn báo điện tử VietnamPlus thăm Bảo tàng Côn Đảo. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Việc quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch về nguồn cần đồng bộ, khai thác lợi thế của nền tảng truyền thông du lịch có sẵn để quảng bá sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử, theo hướng bắt kịp với xu hướng, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Các cấp, ngành cần tăng cường nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích đến cư dân sở tại, giúp người dân thấy rõ lợi ích từ du lịch mang lại và hỗ trợ, khuyến khích họ tham gia hoạt động dịch vụ, du lịch.

Liên quan đến giải pháp đổi mới, đa dạng sản phẩm, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin, trong giai đoạn phục hồi du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thành phố thực hiện phương châm “mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng.” Từ đó, nhiều sản phẩm tour được khảo sát, hoàn thiện, đổi mới, từng bước đưa vào khai thác phục vụ du khách, mà ở đó, các điểm đến là di tích lịch sử gắn với truyền thống từng địa phương, là một trong những điểm nhấn của từng hành trình.

Có thể kể đến các sản phẩm tour mới, hấp dẫn gắn với từng địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mới được khảo sát, hoàn thiện như “Bình Chánh những điều chưa kể,” thiết kế theo hướng đổi mới, kết nối điểm đến là di tích lịch sử của vùng đất từng là vành đai lửa cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, đến thăm Khu di tích Láng Le-Bàu Cò, vùng sông nước đầm lầy, bưng biền xưa, nơi diễn ra nhiều chiến công vang dội trong các cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng và khu tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong Cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968.

Hoặc tour “Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn” đưa khách tham quan loạt di tích lịch sử trên địa bàn Quận 5 gồm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Châu Văn Liêm - nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước, di tích khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán đường Bến Hàm Tử-nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã bị thực dân Pháp giam giữ và trút hơi thở cuối cùng, di tích lịch sử chùa Thiên Tôn ở đường An Bình - nơi từng là cơ sở của Đặc khu ủy Sài Sòn-Gia Định.

Còn với tỉnh Long An, theo lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh, địa phương coi trọng giải pháp kết nối, tăng tính hấp dẫn cho các điểm đến du lịch. Tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức các đoàn khảo sát, kết nối tour, tuyến, đẩy mạnh hình thành sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, khai thác tối đa lợi thế của du lịch địa phương. Trong đó, Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo ở huyện Tân Trụ, di tích Khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính-kháng chiến Nam Bộ ở huyện Tân Thạnh là những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tour mang tính liên kết như “Những nẻo đường phù sa” hay các tuyến du lịch đường sông xuôi dòng Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch-dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ đồng bộ để thu hút nhiều hơn du khách đến tham quan các di tích lịch sử-văn hóa, phấn đấu đến năm 2025, du lịch Long An đón khoảng 3,6 triệu lượt du khách trong nước, 130.000 lượt du khách quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục