Phục hồi quần thể các loài rùa nguy cấp trong tự nhiên ở Việt Nam

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, hiện các nhà khoa học đã ghi nhận sự hiện diện của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng với 5 loài rùa biển thường xuất hiện ở các vùng biển của Việt Nam.
Phục hồi quần thể các loài rùa nguy cấp trong tự nhiên ở Việt Nam ảnh 1Một cá thể rùa tại khu cách ly của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Chiều 27/5, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn rùa châu Á tổ chức hội thảo “Đánh giá hiện trạng và khả năng tái thả các loài rùa nguy cấp” nhằm phục hồi quần thể các loài nguy cấp của Việt Nam trong tự nhiên.

Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tại, các nhà khoa học đã ghi nhận sự hiện diện của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng với 5 loài rùa biển thường xuất hiện ở các vùng biển của Việt Nam.

Với tổng số 335 loài rùa trên thế giới và 90 loài rùa ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chiếm 9% số lượng các loài rùa toàn cầu, bao gồm các loài rùa biển.

Tuy nhiên, quần thể các loài rùa của Việt Nam đang bị suy giảm nhanh chóng do sự biến mất các sinh cảnh sống cùng nạn săn bắt và buôn bán trái phép, nhiều loài đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng như Rùa Trung Bộ, rùa hộp ba vạch, các loài rùa hộp trán vàng miền Trung, loài giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm)...

Nhằm xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ngày 12/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1176/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025. Do đó, hội thảo này là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quý báu về công tác bảo vệ rùa Trung Bộ và các thách thức đối với công tác phục hồi quần thể hoang dã của loài rùa Trung Bộ tại miền Trung Việt Nam; đồng thời góp ý đối với các loài và các khu vực tiềm năng để tái thả về tự nhiên trong thời gian tới.

[Vườn Quốc gia Cúc Phương chú trọng bảo tồn, cứu hộ, tái thả rùa]

Đánh giá hoạt động tái thả các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam được cứu hộ từ hoạt động buôn bán rùa trái phép, Tiến sỹ Hoàng Văn Hà, Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP) cho biết, chuyển dịch vì mục đích bảo tồn là công cụ quan trọng đối với việc tăng cường, khôi phục quần thể rùa hoang dã vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng ngoài tự nhiên Việt Nam.

Với Dự án tăng cường quần thể loài rùa đầu to ở Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An); Khu bảo tồn tự nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) triển khai trong giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2021, có 400 cá thể rùa đầu to đã được thả về các khu vực được bảo vệ; trong đó 11 cá thể được theo dõi tái thả trong 2 năm; 2 cá thể chết không rõ nguyên nhân sau 3 tháng tái thả; ít nhất 4 cá thể sống sót sau 2 năm theo dõi (sử dụng sóng vô tuyến để theo dõi).

Tiến sỹ Hoàng Văn Hà cho biết thêm phần lớn các hoạt động tái thả không được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, không có quy trình, hướng dẫn chi tiết về quy trình tái thả rùa. Tỷ lệ sống sót sau tái thả của nhóm rùa tương đối cao bởi khu vực tái thả an toàn, không có dấu hiệu của bẫy và thợ săn, tuy vậy, vẫn cần thêm các nghiên cứu sau tái thả với dung lượng mẫu lớn hơn và thời gian dài hơn.

Để bảo tồn rùa tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đức Minh, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến nghị, nhiều loài rùa nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam có mức độ đa dạng di truyền cao, do đó các bộ, ngành liên quan cần có phân tích di truyền trước khi đưa về cơ sở nhân nuôi.

Việc nhân nuôi sinh sản phục vụ bảo tồn và thả lại các cá thể thu giữ từ buôn bán cần chú ý tới sự khác biệt về di truyền của các quần thể để tránh sự pha trộn di truyền giữa các vùng với nhau. Đồng thời, việc sàng lọc bệnh cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu để tìm hiểu tác động lâu dài của các loại bệnh và sự lây lan giữa các cá thể.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý để việc bảo vệ các loài nguy cấp nói chung và các loài rùa nói riêng để thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài được pháp luật bảo vệ.

Tại hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu đã thảo luận chung về những thách thức đối với công việc phục hồi quần thể hoang dã của loài tại Việt Nam; khả năng tái thả rùa Trung Bộ tại miền Trung Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn rùa ở Việt Nam trong thời gian tới như nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ trong bảo tồn và phát triển các loài rùa nguy cấp; tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ các loài rùa nguy cấp; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục