Quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch WIPO

Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, các nước đánh giá cao vai trò điều phối và sự chủ động, tích cực của Việt Nam, mong muốn hợp tác với Việt Nam để đóng góp cho thành công của Đại hội đồng năm 2019.
Quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch WIPO ảnh 1Đại sứ Dương Chí Dũng - Chủ tịch Đại hội đồng WIPO (ngồi giữa) và Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới Francis Gurry. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Việc Việt Nam ứng cử và được đảm nhận cương vị Chủ tịch Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giai đoạn 2018 – 2019 là một trong những bước hiệu quả triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.

Trước thềm phiên họp lần thứ 59 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của WIPO, phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO chủ trì phiên họp thường niên từ ngày 30/9 – 9/10/2019. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Đại sứ Dương Chí Dũng với phóng viên thường trú TTXVN tại Geneva:

Phóng viên: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt đời sống xã hội toàn cầu, với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019, Đại sứ có thể cho biết tác động của quá trình phát triển này đối với tổ chức WIPO và hệ thống sở hữu trí tuệ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu khoa học công nghệ mang tính bước ngoặt đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc, làm thay đổi căn bản từ phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đến chính trị và an ninh thế giới, tổ chức và sinh hoạt xã hội trong từng gia đình, từng quốc gia, tới toàn cầu. Nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ số, đặc trưng là trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ thông tin, Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Blockchain; công nghệ nano, công nghệ gien, công nghệ vật liệu, công nghệ in 3D trong lĩnh vực chế tạo...Theo đó, tri thức, thành tựu khoa học-công nghệ, các ý tưởng đổi mới, sáng tạo đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng, phát triển kinh tế của tất cả các nước thành viên của WIPO.

Các phương thức sản xuất mới với các thiết bị, dây chuyền, hệ thống quản lý thông minh tạo ra nền công nghiệp thông minh, những sản phẩm mới, đòi hỏi sự đổi mới của bản thân tổ chức WIPO. Với sứ mệnh là thúc đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, thúc đẩy đổi mới phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, trong khi vẫn bảo đảm được lợi ích của cộng đồng, WIPO có cơ hội đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ số để xây dựng hệ thống quản lý thông minh như việc cải tiến và nâng cấp các công cụ tra cứu tình trạng kỹ thuật cho sáng chế, tra cứu bằng hình ảnh cho nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ AI hoặc nâng cấp hệ thống phân loại tự động cho đơn nộp theo hệ thống IPC, Nice, Locarno.

Những ứng dụng, phương tiện thông minh để nâng cấp, cải tiến, mở rộng và tạo thuận lợi cho các dịch vụ nộp đơn toàn cầu, cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng được WIPO đưa vào sử dụng. Nhiều dự án nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nộp đơn đăng ký đang được WIPO tiến hành như các ứng dụng nộp đơn trực tuyến, dịch tự động, và sắp tới là đưa vào sử dụng dịch vụ tem thời gian số (Digital time – Stamping Service).

Các giải pháp về công nghệ thông tin này cũng mở ra những cơ hội mới để quản lý tốt hơn nhu cầu nộp đơn ngày càng tăng, cũng như số hóa các kho dữ liệu về sở hữu trí tuệ. Sự gia tăng số lượng đăng ký bản quyền sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua cũng góp phần tăng đáng kể nguồn thu của tổ chức này. Nhờ đó, những năm gần đây, nguồn ngân sách của WIPO luôn thặng dư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật dành cho các nước thành viên, đặc biệt các thành viên đang phát triển.

Đây là một cơ hội và cũng là điều kiện quan trọng giúp cho tổ chức này thực hiện được sứ mệnh của mình, thúc đẩy hợp tác xây dựng các văn kiện quốc tế về sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, phổ biến, sử dụng và bảo hộ những sản phẩm của trí tuệ con người.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đồng thời tạo ra những thách thức lớn đối với WIPO khi khối lượng thông tin khổng lồ, đa dạng, đa chiều, được lưu chuyển nhanh chóng, tạo khó khăn cho quy trình quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống việc thụ lý và quản trị dữ liệu về đơn đăng ký. Trong khi đó, WIPO chưa thể cập nhật, điều chỉnh phù hợp các quy định liên quan đến các sáng chế AI mới (như pháp luật truyền thống để đánh giá tiêu chuẩn bảo hộ cho các đối tượng liên quan đến AI), đồng thời cách thức bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra và việc thuật toán và dữ liệu do máy tạo ra hiện là những vấn đề khó, chưa có lời giải. Bên cạnh đó, quan điểm và chính sách bảo hộ giữa các nước còn có sự chênh lệch rất lớn do trình độ phát triển và lợi ích khác biệt giữa các nước phát triển và các nước đang và kém phát triển.

Đối với Việt Nam, đến nay hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ đã đạt được những thành tựu quan trọng với một nền tảng pháp luật về cơ bản phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ sở để Việt Nam tận dụng cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tiến bộ về khoa học công nghệ tạo ra. Người dân, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao để đổi mới; các doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng những công nghệ thông minh, ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ in 3D, công nghệ thông tin, AI, Internet kết nối vạn vật, robot, các máy móc, thiết bị thông minh... vào sản xuất, kinh doanh. Ngành giáo dục - đào tạo và quản lý nhà nước có cơ hội đổi mới quy trình giảng dạy, quản lý, áp dụng công nghệ thông minh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý, bảo vệ sở hữu trí tuệ phù hợp, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo cơ hội phát triển cho mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, khi biết tận dụng và vận dụng được những thành tựu khoa học - công nghệ mới. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng có thể làm cho các nước đang và kém phát triển tụt hậu ngày càng xa hơn nếu không tận dụng được cơ hội này.

Sự cạnh tranh giữa các nước trên thế giới gay gắt, quyết liệt hơn; tương quan sức mạnh giữa các nước, các khu vực sẽ có những thay đổi, đảo lộn. Bởi vậy, hiện nay, các nước đều xem xét lại, điều chỉnh chiến lược phát triển của mình.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (29/9/2019) và trước đó, sự ra đời của Chiến lược quốc gia về Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (22/8/2019) là bước tiến quan trọng, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế về việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh, phù hợp với những tiến bộ về khoa học – công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

[Nghị quyết về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư]

Chiến lược sẽ góp phần quan trọng phát triển, khuyến khích phong trào đổi mới, sáng tạo trong xã hội, tăng số lượng đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được bảo hộ. Tạo động lực và môi trường minh bạch, thông thoáng cho phong trào đổi mới, sáng tạo là nền tảng cho phát triển của khoa học – kỹ thuật, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Lần đầu tiên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO, Việt Nam nói chung và Phái đoàn Việt Nam tại Geneve đã triển khai hoạt động như thế nào trong các diễn đàn đa phương, trong đó có WIPO, tại “thủ đô của đa phương toàn cầu?" Vai trò và đóng góp của Việt Nam vào tổ chức, hoạt động của WIPO và định chế quốc tế do WIPO quản lý như thế nào?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Hoạt động của phái đoàn là một trong những minh chứng rõ nét cho việc tham gia chủ động, thực chất và đi vào chiều sâu của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong giai đoạn mới của quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngoài các hoạt động tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, phái đoàn cũng tích cực tham gia các diễn đàn chuyên môn như WIPO, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Cộng đồng Pháp ngữ, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM),… và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Việc Việt Nam ứng cử và được đảm nhận cương vị Chủ tịch Đại hội đồng WIPO giai đoạn 2018-2019 là một trong những bước hiệu quả triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Qua việc tham gia các vị trí chủ chốt tại các diễn đàn đa phương như WIPO, Việt Nam sẽ từng bước tham gia vào quá trình xây dựng, định hình, dẫn dắt các thể chế đa phương ở khu vực, liên khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức này phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Cho đến nay, WIPO đã dành cho Việt Nam nhiều sự trợ giúp quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực và hiện đại hoá hệ thống các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ.

Sự trợ giúp của WIPO góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. Vai trò là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO đã giúp thúc đẩy WIPO hỗ trợ nhiều dự án hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này như dự án hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các nghĩa vụ thành viên của WIPO, cải tiến việc cung cấp các số liệu thống kê để xây dựng báo cáo quốc gia về đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng các biện pháp chính sách để tăng cường công tác đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Đặc biệt, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Quốc gia về sở hữu trí tuệ từ năm 2017 và đến ngày 22/8/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định Phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Đây là một trong những kết quả cụ thể, thiết thực mà Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã góp phần triển khai cùng các cơ quan chức năng trong nước thời gian qua, thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tin cậy giữa phái đoàn với WIPO, với mục đích làm cầu nối thúc đẩy, tranh thủ nguồn lực và tri thức quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực trong nước một cách kịp thời và hiệu quả, phục vụ tối đa lợi ích quốc gia nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Phái đoàn cũng đã và đang ngày càng tham gia tích cực và có nhiều đóng góp vào các hoạt động của tổ chức. Bản thân tôi, với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019, đã tích cực triển khai một loạt các công việc quan trọng của tổ chức để tiến tới chủ trì phiên họp Đại hội đông WIPO thường niên từ 30/9 – 9/10/2019.

Cụ thể, trực tiếp chủ trì quá trình đàm phán, tiến hành nhiều đợt vận động các thành viên chủ chốt nhằm tìm kiếm đồng thuận cho các vấn đề về cải cách thể chế do Đại hội đồng năm 2018 yêu cầu.

Các nước đánh giá cao vai trò điều phối và sự chủ động, tích cực của Việt Nam, mong muốn hợp tác với Việt Nam để đóng góp cho thành công của Đại hội đồng năm 2019.

Cũng nhân dịp Đại hội đồng, phái đoàn đã phối hợp với WIPO tổ chức cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm tơ lụa và thổ cẩm, sau thành công của Lễ Kỷ niệm Quốc khánh cùng chương trình thời trang “Sắc màu truyền thống của chất liệu thổ cẩm và lụa Việt Nam."

Qua đó có thể giới thiệu cho cộng đồng quốc tế và các thành viên WIPO một hình ảnh Việt Nam hội nhập và phát triển toàn diện, năng động, song kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên sức mạnh của đất nước trong quá trình phát triển và hội nhập thời gian tới.

Đối với các hoạt động của tổ chức, hằng năm Việt Nam đều cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các cơ quan điều hành của WIPO như Đại hội đồng WIPO, Ủy ban Điều phối WIPO (CoCo), hay các ủy ban thường trực như Ủy ban Chương trình và ngân sách (PBC), Ủy ban Phát triển và sở hữu trí tuệ (CDIP)...

Tính đến nay, Việt Nam đang là thành viên của 10 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý và đang tiến hành thủ tục để tham gia Thỏa ước La Haye về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, đồng thời theo dõi, tham gia các phiên thảo luận một số văn kiện quốc tế mới về sở hữu trí tuệ như Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp, Văn kiện quốc tế về nguồn gien, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian.

Phóng viên: Là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào, đặc biệt trong quá trình xây dựng thể chế, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý tài sản trí tuệ... Đại sứ đánh giá như thế nào về những hoạt động hỗ trợ này?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Hằng năm, WIPO đều triển khai nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật dành cho các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam là một trong các nước nhận được nhiều dự án, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc WIPO vào tháng 3/2017, các hoạt động hợp tác giữa hai bên càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong đó như đã nêu trên, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam  xây dựng Chiến lược Quốc gia về sở hữu trí tuệ; nghiên cứu, tìm hiểu Thỏa ước La Haye về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp phục vụ việc gia nhập sắp tới của Việt Nam. Đây là những hoạt động hỗ trợ cụ thể, thực chất, góp phần quan trọng nâng cao năng lực bảo vệ và thúc đẩy sở hữu trí tuệ, tri thức và qua đó nâng cao khả năng sáng tạo, sáng chế của các doanh nghiệp và người dân. Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ đến 2030 ra đời, với sự giúp đỡ về kỹ thuật của WIPO, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Về hỗ trợ nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ, WIPO hiện đang hỗ trợ triển khai Dự án Xây dựng hệ thống tự động về quản trị đơn sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS) tại Cục Sở hữu trí tuệ, với mục tiêu tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và năng suất tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; Dự án “Số hóa tư liệu sở hữu công nghiệp” nhằm chuyển toàn bộ tư liệu sáng chế từ dạng giấy thành cơ sở dữ liệu điện tử, tạo thuận lợi cho việc triển khai Dự án WIPO IPAS cũng đang được thảo luận.

Về việc phát triển tài sản trí tuệ, Dự án Xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới (Technology and Innovation Support Centers - TISCs), với mục đích đào tạo kỹ năng khai thác thông tin sáng chế, tiếp cận với các nguồn thông tin sáng chế đang được WIPO hỗ trợ. WIPO cũng đang hỗ trợ Việt Nam triển khai Dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE Project - Enabling the Intellectual Property Environment Project) với mục tiêu thúc đẩy năng lực phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học.

Hằng năm WIPO đều cấp học bổng cho các cán bộ tham gia các khóa học trực tuyến và chuyên sâu do Học viện WIPO tổ chức và mời tham dự nhiều khóa đào tạo chuyên môn về sở hữu trí tuệ.

Nhằm nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng chế các năm 2013, 2014, 2018, giúp tìm ra các giải pháp thiết thực, hữu ích để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng, đồng thời nâng cao nâng nhận thức của công chúng về sáng chế, công nghệ phù hợp và trao giải thưởng WIPO cho các công trình khoa học - kỹ thuật xuất sắc theo đề nghị từ Quỹ VIFOTEC. Bên cạnh đó, WIPO cũng hỗ trợ Việt Nam dịch các ấn phẩm tuyên truyền về sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, trong thời gian qua, WIPO cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII – Global Innovation Index). Năm 2019, Việt Nam xếp vị trí 42/129 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng, tăng 3 bậc so với năm 2018.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục