Quốc tế phản ứng phán quyết của ICJ về Kosovo

Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết rằng tuyên bố đơn phương độc lập của Kosovo hồi năm 2008 là "không vi phạm luật pháp quốc tế."
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ngày 22/7 đã ra phán quyết cho rằng tuyên bố đơn phương độc lập của Kosovo hồi năm 2008, mà Cộng hòa Serbia không thừa nhận, là "không vi phạm luật pháp quốc tế."

Phát biểu trước báo giới ngay sau phán quyết của ICJ, Tổng thống Serbia Boris Tadic khẳng định Belgrade sẽ không bao giờ công nhận nền độc lập của Kosovo. Ông Tadic nói: "Serbia sẽ không bao giờ công nhận việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập.

Giờ đây, Chính phủ Serbia sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo." Theo ông, việc Kosovo tuyên bố độc lập là hành động đơn phương, là "sự ly khai vì động cơ sắc tộc" không phù hợp với các nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic cũng tuyên bố rằng trong mọi hoàn cảnh, Belgrade sẽ không bao giờ công nhận việc Kosovo tự tuyên bố độc lập. Ông nhấn mạnh điều tối quan trọng là duy trì hòa bình và ổn định trên toàn bộ lãnh thổ Kosovo. Ngoại trưởng Jeremic cảnh báo rằng toàn bộ những đường biên giới trên thế giới sẽ gặp nguy hiểm nếu ICJ ủng hộ "sự li khai" của Kosovo.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/7 ra tuyên bố cho biết phán quyết của ICJ không mang lại cơ sở pháp lý cho nền độc lập của Kosovo. Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi bảo lưu quan điểm không công nhận nền độc lập của Kosovo. Chúng tôi tin rằng giải pháp cho vấn đề Kosovo chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán giữa các bên liên quan."

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể làm chệch hướng tiến trình đối thoại. Theo phát ngôn viên của ông Ban Ki-moon, Liên hợp quốc khuyến khích các bên tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Ông Ban Ki-moon sẽ đề nghị chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Serbia và Kosovo cải thiện quan hệ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Catherine Ashton tuyên bố EU sẵn sàng giúp đỡ Belgrade và Pristina tiến hành đối thoại về vấn đề này.

Theo bà Ashton, tiến trình đối thoại sẽ giúp hai bên thúc đẩy hợp tác và đạt được tiến bộ trong quá trình hội nhập với châu Âu. Trong khi đó, Mỹ kêu gọi các nước châu Âu "đoàn kết" sau phán quyết của ICJ.

Ngay trước khi ICJ ra phán quyết trên, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Tổng thống Serbia Boris Tadic, kêu gọi Belgrade phối hợp để giải quyết các vấn đề thực tế liên quan tới Kosovo, nhằm cải thiện cuộc sống của người dân ở Kosovo, Serbia và trong khu vực.

Cho tới nay, phần lớn các nước vẫn không công nhận sự độc lập của Kosovo. Nga và Trung Quốc cùng với sự ủng hộ của phần lớn các nước trên thế giới đều cho rằng hành động đơn phương của Kosovo sẽ mở đường cho làn sóng ly khai trên thế giới.

Trong số các nước công nhận độc lập của Kosovo có Mỹ và 22/27 nước thành viên EU. Trong khi đó, Serbia vẫn coi Kosovo là một phần bất khả phân và đã kiện tính chất pháp lý của nền độc lập của Kosovo ra ICJ ở Hague (Hà Lan). Vụ việc này đã gây trở ngại cho Serbia khi nộp đơn xin gia nhập EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục