Quyết định lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ

Ngày 17/12 đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong quan hệ Cuba-Mỹ qua khi lãnh đạo hai nước đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao.
Quyết định lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ ảnh 1Người dân Cuba tuần hành tại thủ đô Havana sau khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ được công bố ngày 17/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/12 đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới.

Trong thông điệp gửi tới toàn thể nhân dân vào trưa 17/12, Chủ tịch Raul cho biết quyết định trên là kết quả của một loạt các cuộc đàm phán bí mật ở cấp cao, trong đó có cuộc điện đàm trực tiếp giữa ông và Tổng thống Barack Obama, cùng với sự trung gian của Tòa thánh Vatican và Giáo hoàng Francis.

Có thể nói đây là sự kiện được nhân dân cả hai nước Cuba và Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế mong đợi từ rất lâu.

Bản thân Chủ tịch Raul Castro cũng từng nhiều lần bày tỏ sẵn sàng đối thoại với chính phủ Mỹ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và bình đẳng trong tất cả các vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương, và đây là thời điểm những ước mong đó trở thành hiện thực.

Tổng thống Obama cũng thừa nhận các chính sách trừng phạt, bao vây cấm vận chống Cuba đã lỗi thời và nhiều thời điểm chính nước Mỹ lại bị cô lập ở khu vực và quốc tế vì mối quan hệ với Cuba khiến cho khả năng tạo ảnh hưởng của Washington ở Tây bán cầu bị hạn chế.

Chính vì vậy, đây là thời điểm chín muồi để Mỹ cần phải có cách tiếp cận khác. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, những điều chỉnh trong chính sách với Cuba sẽ tạo điều kiện để hai bên xích lại gần nhau hơn, tìm lại sự tin tưởng lẫn nhau để hướng tới một tương lai phát triển bền vững và ổn định ở khu vực.

Quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao cũng cho thấy cả Cuba và Mỹ đã sẵn sàng cho một mối quan hệ cùng chung sống trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và quyết tâm giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán.

Tuy nhiên, như Chủ tịch Raul Castro đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng điều này không có nghĩa là vẫn đề chính đã được giải quyết.

Để hai bên thực sự bình thường hóa thì chính sách bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thường mại cần phải được dỡ bỏ và mặc dù các chính sách này đã được Quốc hội Mỹ thông qua thành luật, nhưng Tổng thống Obama hoàn toàn có thẩm quyền để điều chỉnh việc áp dụng.

Nhà lãnh đạo Cuba đề xuất hai bên cùng đưa ra các biện pháp để cải thiện tình hình và hướng tới việc bình thường hóa quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Chủ tịch Raul Castro cũng kêu gọi chính phủ Mỹ sớm dỡ bỏ những rào cản đối với mối liên kết giữa nhân dân hai nước.

Về phần mình, Tổng thống Obama khẳng định sẽ sớm thảo luận với Quốc hội để tìm cách dỡ bỏ chính sách bao vây cấm vận đã lỗi thời, đồng thời chỉ đạo Ngoại trưởng John Kerry sớm xúc tiến các cuộc đối thoại để chuẩn bị cho tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, đồng thời xem xét việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, một yếu tố quan trọng để Mỹ có thể chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với quốc đảo này.

Chính phủ Mỹ cũng quyết định điều chỉnh chính sách đi lại giữa hai nước, quy định về kiều hối, cho phép bán và xuất khẩu thương mại một số loại hàng hóa và dịch vụ tới Cuba, tạo điều kiện cho các cơ quan của Mỹ có thể mở tài khoản tại các ngân hàng của Cuba để tạo thuận lợi cho việc thực hiện những giao dịch tài chính được cho phép.

Cần phải nhấn mạnh rằng để đạt được thỏa thuận lịch sử trên, Cuba đã nhất trí trả tự do cho nhân viên hợp đồng của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Alan Gross - một điệp viên làm việc cho chính phủ Mỹ bị kết án tù tại Cuba, trong khi Washington trả tự do cho 3 chiến sỹ tình báo Cuba bị giam giữ tại các nhà tù ở Mỹ.

Trong nhiều năm qua, đây được coi là rào cản lớn nhất khiến cho hai bên không thể xích lại gần nhau hơn, cho dù cả hai phía đều không ít lần bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ đầy trắc trở này.

Một số nhà phân tích cho rằng sự kiện Cuba và Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao là minh chứng về quyết tâm đối thoại của chính phủ hai nước, song đây mới chỉ là sự khởi đầu của chặng đường rất dài phía trước bởi hai bên vẫn còn rất nhiều khác biệt trong các vấn đề như chủ quyền quốc gia, dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại.

Nhà báo nổi tiếng Ignacio Ramonet trong một cuộc trao đổi với kênh truyền hình quốc gia cho rằng Cuba và Mỹ đã gạt bỏ được một rào cản tâm lý vô cùng lớn, tạo điều kiện để hai bên xích lại gần nhau trong lĩnh vực ngoại giao vốn bị gián đoạn 53 năm nay và mở ra một thời kỳ mới giải quyết các vấn đề song phương dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Có thể khẳng định rằng mặc dù đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình dài trước mắt, song sự kiện này là bước ngoặt quyết định, đánh dấu mốc lịch sử để Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua, qua đó giúp thúc đẩy mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, thể thao... đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục