RCEP sẽ tạo ra động lực "đáng kể" cho tăng trưởng kinh tế khu vực

Phát biểu tại họp báo ngày 11/11, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương cho biết "tất cả các văn bản và công việc rà soát pháp lý của Hiệp định RCEP đã hoàn tất."
RCEP sẽ tạo ra động lực "đáng kể" cho tăng trưởng kinh tế khu vực ảnh 1Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương. (Nguồn: mofcom.gov.cn)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/11, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương cho biết "tất cả các văn bản và công việc rà soát pháp lý của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã hoàn tất."

Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết tại cuộc họp lần thứ 4 của các nhà lãnh đạo RCEP vào ngày 15/11 tới theo hình thức trực tuyến.

Ông Lý Thành Cương cho biết sau khi được ký kết, RCEP sẽ là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong quá trình hội nhập của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong 20 năm qua, giúp khu vực này thực hiện mở cửa thị trường ở mức độ cao, đồng thời hình thành một hệ thống kinh tế và thương mại tương đối thống nhất.

Được Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi xướng vào năm 2012, RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên toàn thế giới, với 15 thành viên chiếm 47,4% dân số thế giới, chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu.

Ông Tô Các, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng việc ký kết RCEP sẽ tạo ra động lực "đáng kể" cho tăng trưởng kinh tế khu vực, vì hiệp định được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế các nước thành viên cũng như hợp tác châu Á-Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu COVID-19.

[Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN tăng trưởng nhanh bấp chấp dịch bệnh]

Theo ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ giúp tăng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Ông Trương Nhạn Sinh, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nói rằng thỏa thuận ước tính sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 0,55% và Nhật Bản 0,1%.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, dự đoán RCEP sẽ thúc đẩy GDP của Hàn Quốc thêm 0,41-0,62% và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng địa phương từ 4,2 tỷ USD đến 6,8 tỷ USD sau khi thuế quan được cắt giảm.

Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý rằng RCEP sẽ là hiệp định thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mang lại cơ hội cho hai nước này khám phá thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo hãng tin Kyodo, RCEP cho phép Nhật Bản hủy bỏ thuế quan đối với 56% nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, 49% từ Hàn Quốc và 61% mặt hàng từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand.

Ông Thẩm Minh Huy, Tổng Thư ký Trung tâm APEC và Hợp tác Đông Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định việc ký kết RCEP cũng sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán FTA Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc.

Ông Thẩm Minh Huy cũng cho rằng việc ký kết hiệp định thương mại này sẽ cải thiện môi trường kinh doanh của khu vực, ổn định chuỗi cung ứng khu vực và giúp phục hồi kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục