Số máy tính nhiễm mã độc đào tiền ảo tạm thời không tăng lên

Hệ thống của Bkav không phát hiện thêm máy tính bị nhiễm mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger. Hiện số máy tính bị nhiễm dừng lại ở 41.000 máy.
Số máy tính nhiễm mã độc đào tiền ảo tạm thời không tăng lên ảnh 1Mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger được phát hiện vào ngày 19/12/2017. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trả lời với phóng viên VietnamPlus chiều 19/1, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav cho biết, hiện không phát hiện thêm trường hợp máy tính nhiễm mã độc đào tiền ảo. Số máy tính bị nhiễm đang dừng lại ở 41.000 máy.

[Hướng dẫn chi tiết cách loại bỏ mã độc trên Facebook Messenger]

Trước đó, con số này cũng được Bkav thông tin vào ngày 5/1. Như vậy, sau hai tuần, lượng máy tính nhiễm loại mã độc này tạm thời không tăng lên theo ghi nhận của công ty an ninh mạng lớn của Việt Nam.

Phía Bkav cũng cho biết, đơn vị này chỉ thống kê số máy từng nhiễm chứ không ghi nhận việc chủ nhân của chúng đã xử lý xong hay chưa.

Cách đây đúng một tháng, vào ngày 19/12/2017, loại mã độc đào tiền ảo này đã phát tán qua Facebook Messenger với việc người dùng nhận được một tập tin tên là video_xxx.zip (trong đó xxx là các số ngẫu nhiên). Đây là một tập tin nén trong đó có chứa tập tin với định dạng mp4.exe, thực chất là tập tin thực thi của hệ điều hành Windows. Tuy nhiên người dùng thông thường nhầm tưởng là tập tin Video (mp4) nên mở tập tin. Máy tính của nạn nhân sau đó bị lợi dụng tài nguyên vào việc đào tiền ảo.

Trong buổi tối cùng ngày, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi cảnh báo, khuyến nghị người dùng. Một số đơn vị trong lĩnh vực an ninh mạng cũng đưa ra các hướng dẫn người dùng tự xử lý mã độc này cũng như thông báo cập nhật xử lý mã độc trên phần mềm diệt virus của mình.

(Biểu đồ thống kê số máy tính nhiễm mã độc đào tiền ảo qua Facebook Messenger tại Việt Nam. Nguồn: Bkav)

 

Thực tế cũng cho thấy, mã độc này rất được dư luận quan tâm khi tốc độ lây lan rất nhanh. Dù chỉ mới được phát hiện phát tán vào ngày 19/12/2017, song theo thống kê của Bkav, tới 21/12/2017 đã có 12.600 máy tính bị nhiễm. Con số này tăng lên 20.300 vào 25/12/2017, 36.000 vào 2/1 và 41.000 vào ngày 5/1.

Và, cho dù con số máy tính bị nhiễm đang dừng lại, nhưng không ai có thể bảo đảm rằng hacker không tiếp tục phát động những đợt tấn công tiếp theo. Bởi vậy, người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách cài đặt phần mềm diệt virus bản quyền, không mở các tập tin hay đường dẫn lạ được gửi qua Facebook Messenger hay bất kỳ ứng dụng truyền thông nào khác (Viber, Zalo, email…)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục