Mấy ngày gần đây, câu chuyện các nghệ sỹ của Hãng Phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam) “kêu cứu“ nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và những người yêu điện ảnh Việt.
Hiện các ban, ngành, đơn vị chức năng đang rốt ráo vào cuộc để sớm có câu trả lời cho các nghệ sỹ cũng như dư luận.
Các nghệ sỹ cho biết họ ủng hộ chủ trương cổ phần hóa nhưng bất bình vì quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Bởi sau khi tiếp quản, ban lãnh đạo mới không có định hướng làm phim, trả lương không đầy đủ theo cam kết trước khi cổ phần hóa, gây nhiều xáo trộn về cơ sở vật chất...
Chi hội Điện ảnh của Hãng Phim truyện Việt Nam cũng đã làm đơn kêu cứu gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam về quá trình cổ phần hóa Hãng Phim khiến các nghệ sỹ không có lương, đạo cụ kịch bản bị di chuyển.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Xuân Hải khẳng định Hội đã nhận được đơn của Chi hội Điện ảnh của Hãng Phim truyện Việt Nam. Ngày 18/9, Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam cùng đại diện Chi hội Điện ảnh Hãng Phim truyện Việt Nam đã họp, thảo luận, xem xét cặn kẽ toàn bộ sự việc, những gì chủ đầu tư đã thực hiện trong quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.
“Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ gửi văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền đề nghị làm rõ quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam; đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, văn nghệ sỹ; bảo vệ thương hiệu điện ảnh đã có bề dày lịch sử hơn 60 năm,” nghệ sỹ nhân dân Đặng Xuân Hải nhấn mạnh.
[Rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam]
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso), Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, cho biết chiều 19/9, Công ty sẽ tổ chức tiếp xúc và đối thoại với các nghệ sỹ về những bức xúc liên quan đến quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của Hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Hơn 50 năm qua, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,” “Em bé Hà Nội,” “Bao giờ cho đến tháng Mười,” “Đời cát”... Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều dự án của Hãng liên tục thua lỗ.
Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa và Tổng Công ty vận tải thủy hoàn tất quá trình mua lại Hãng vào tháng 6/2017. Hiện tại, Hãng mang tên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam./.