Sự cố nước Sông Đà: Bài học về sự giám sát chặt chẽ nguồn nước

Đại biểu Quốc hội cho rằng phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy để cho việc giám sát chất lượng nước tốt hơn, người dân được cung ứng những sản phẩm dịch vụ công tốt hơn
Hà Nội đã có gần 2 tuần đau đầu vì nước sạch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hà Nội đã có gần 2 tuần đau đầu vì nước sạch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 25/10, liên quan đến sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của nhà máy nước sông Đà, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco) chính thức phát đi thông cáo về việc hoàn tất khắc phục sự cố, đảm bảo đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho người dân.

Viwasupco cũng gửi lời xin lỗi đến toàn bộ người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố và cho biết sẽ miễn phí 1 tháng tiền nước cho khách hàng.

Chiều ngày 25/10, bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, trước sức ép của dư luận và yêu cầu của các cấp, tiếng nói của nhân dân mạnh mẽ, lãnh đạo Viwasupco đã nhận thức thấy lỗi và xin lỗi, giảm bớt thiệt hại cho người dân bằng cách trừ một tháng tiền nước.

“Dù chưa biết Viwasupco tính toán thế như thế nào nhưng đây cũng thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo công ty,” bà Khánh cho hay.

"Đây là bài học sâu sắc cho các cơ quan quản lý phải lưu ý đến việc bảo đảm an toàn nguồn nước, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân,” bà Khánh khuyến cáo.

[Viwasupco chính thức xin lỗi dân sau 17 ngày sự cố nước nhiễm dầu bẩn]

Cũng theo vị đại biểu này, đây là sự cố về môi trường tuy nhiên nhiều người (kể cả cơ quan quản lý nhà nước) chưa nhận thức đầy đủ. Do đó, đây sẽ là một bài học đáng nhớ cho công ty và chính quyền địa phương.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Viwasupco đã lắng nghe phản ánh của dư luận và nhận ra một phần trách nhiệm của mình.

Ông Kiên cho biết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nói sau sự cố là việc cung cấp nước sạch cho người dân còn nhiều khe hở về pháp lý. Đó là chưa có sự phối hợp giữa hai địa phương: Nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hòa Bình) cấp nước cho Hà Nội nhưng cơ quan chính quyền Hà Nội lại không có thẩm quyền của đối với khu vực đó.

Sự cố nước Sông Đà: Bài học về sự giám sát chặt chẽ nguồn nước ảnh 1Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông, đây lần đầu tiên trong lịch sử cấp nước của Việt Nam xảy ra sự cố đáng tiếc. Việc những người gây ra sự cố do cố tình hay vô ý cần được làm rõ. Cũng có thể chỉ vì vài triệu đồng mà họ đổ thải và nếu hôm đó trời không mưa thì sự cố có thể chưa xảy ra.

"Qua việc này phải rút ra bài học cho các bên là cần làm việc việc một cách bài bản, quy củ và có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa," ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, cần phải xem lại quy trình kiểm tra chất lượng nước đã đúng chưa và việc thực hiện của công ty thế nào. Bên cạnh đó, phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy để việc giám sát chất lượng nước tốt hơn, người dân được cung ứng những sản phẩm dịch vụ tốt hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, lời xin lỗi, bồi thường bằng việc 'cấp nước miễn phí trong tháng xảy ra sự cố' của Viwasupco là muộn màng và khó có thể chấp nhận được.

Ông Trí chia sẻ, lâu nay bản thân ông vẫn nghĩ, nguồn nước sạch sông Đà được lấy từ giữa lòng hồ sông Đà nhưng sau sự cố này mới biết rõ nguồn nước được lấy từ hồ Đồng Bài và xung quanh khu vực này an ninh, an toàn không có.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, tùy thuộc vào thiệt hại, người dân có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục