Sức sống của những làn điệu dân ca ví, giặm ở vùng đất đỏ Phủ Quỳ

CLB dân ca ví, giặm xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An, đã bảo tồn, lưu giữ làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với người dân xã miền núi này.

Hình ảnh người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thực hành hát dân ca Ví, Giặm trong quá trình lao động sản xuất được chiếu trên màn ảnh lớn tại hội trường UNESCO. (Ảnh: Bích Hà)
Hình ảnh người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thực hành hát dân ca Ví, Giặm trong quá trình lao động sản xuất được chiếu trên màn ảnh lớn tại hội trường UNESCO. (Ảnh: Bích Hà)
Màn hình lớn tại Hội trường UNESCO chiếu hình ảnh cô thôn nữ hát Ví, Giặm trên nương ngô trong quá trình hội nghị xem xét hồ sơ ứng cử của Việt Nam. (Ảnh: Bích Hà)
Màn hình lớn tại Hội trường UNESCO chiếu hình ảnh cô thôn nữ hát Ví, Giặm trên nương ngô trong quá trình hội nghị xem xét hồ sơ ứng cử của Việt Nam. (Ảnh: Bích Hà)
Đoàn Việt Nam vỗ tay chào mừng chiến thắng sau tiếng gõ búa của Chủ tịch hội nghị chính thức vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Bích Hà)
Đoàn Việt Nam vỗ tay chào mừng chiến thắng sau tiếng gõ búa của Chủ tịch hội nghị chính thức vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Bích Hà)
Đoàn Việt Nam vỗ tay chào mừng chiến thắng sau tiếng gõ búa của Chủ tịch hội nghị chính thức vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Bích Hà)
Đoàn Việt Nam vỗ tay chào mừng chiến thắng sau tiếng gõ búa của Chủ tịch hội nghị chính thức vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Bích Hà)
Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Bích Hà)
Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Bích Hà)
Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Bích Hà)
Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Bích Hà)

Với niềm say mê và tình yêu với dân ca, gần mười năm qua, các thành viên trong Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã không ngừng bảo tồn, lưu giữ làn điệu dân ca ví, giặm của quê hương trên mảnh đất đỏ Phủ Quỳ.

Đông Hiếu là một xã miền núi, người dân sinh sống ở đây có nguồn gốc từ nhiều nơi khác chuyển đến. Nhiều năm qua, những tiết mục văn nghệ, những lời ca, câu hò, điệu ví của những nghệ sỹ không chuyên đến từ Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Đông Hiếu đã trở thành “món ăn tinh thần” với người dân Phủ Quỳ.

Nghệ nhân dân gian Trần Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Hiếu, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, chính là người đưa câu hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến gần hơn với những người dân ở địa bàn miền núi này.

Nghệ nhân Trần Văn Hồng chia sẻ, từ khi còn rất bé, anh đã thấm đẫm những câu hò, điệu ví qua bài hát ru của mẹ, của bà, những câu hò ngợi ca tinh thần lao động của các cô, các chú trên Nông trường Đông Hiếu. Lớn lên chút nữa, nghệ nhân Hồng đã biết hát, biết luyến láy ở những âm vực cao, thấp của các làn điệu khác nhau.

Không chỉ hát, anh còn sưu tầm, ghi chép, sáng tác và dàn dựng nhiều lời ví, giặm với nội dung ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi con người Nghệ Tĩnh giàu lòng yêu nước, cần cù lao động để truyền lại cho lớp trẻ.

Là chủ nhiệm câu lạc bộ, anh luôn trăn trở làm thế nào để thay đổi nội dung sinh hoạt cho phong phú đa dạng, thu hút các thành viên tham gia và để trở thành điểm đến, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho mọi người dân trong địa bàn.

Bám sát tình hình xã hội, những vấn đề đang diễn ra được mọi người, mọi nhà quan tâm như vấn đề hạnh phúc gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông…, nghệ nhân Trần Văn Hồng cùng các thành viên câu lạc bộ đã sáng tác, dàn dựng chương trình và biểu diễn các tiểu phẩm bằng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh rồi biểu diễn cho bà con thưởng thức.

Với mong muốn vừa lưu giữ vừa tuyên truyền sâu rộng, các anh đã thu vào băng cátsét rồi phát trên loa truyền thanh các xóm.

Hiện nay, không chỉ biểu diễn vào những dịp lễ, tết mà hàng tuần các thành viên câu lạc bộ duy trì đều đặn luyện tập. Địa phương, cơ quan, đơn vị hay trường học nào có nhu cầu, các thành viên câu lạc bộ sẵn sàng phục vụ biểu diễn.

Nhớ lại những ngày đầu phát triển thành viên câu lạc bộ, nghệ nhân Trần Văn Hồng tâm sự, bằng tình yêu dân ca, bằng khát khao muốn lưu giữ tiếng hát của quê hương xứ Nghệ mà các thành viên trong câu lạc bộ đã không ngại ngần khi xuống các thôn, xóm, tìm kiếm các hạt nhân có năng khiếu văn nghệ rồi từ đó truyền dạy cho các em những làn điệu dân ca truyền thống.

Thành viên trong câu lạc bộ đầy đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Họ là những người nông dân thuần túy, chân lấm tay bùn, là những công nhân viên chức đang làm việc ở cơ quan nhà nước và cũng có những em nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường. Dù những câu hò còn vụng về, cử chỉ, điệu múa còn bối rối… song lại toát lên sự mộc mạc, chân chất như chính những người lao động nơi đây.

Do hoạt động tự phát nên vấn đề kinh phí để duy trì hoạt động suốt thời gian dài là điều khá khó với câu lạc bộ. Bằng tinh thần tự nguyện, các thành viên câu lạc bộ đã tự góp tiền để duy trì hoạt động.

Khó khăn là vậy nhưng 25 thành viên trong câu lạc bộ vẫn say sưa luyện tập, mải miết với những khúc hát dân ca. Đền đáp lại là sự đón nhận nhiệt tình của chính những người dân trong vùng.

“Nhiều cụ già ở Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu lên đây lập nghiệp được nghe những câu hò ví, giặm của quê hương đã không giấu nổi niềm xúc động. Rất nhiều lần, nhiều vở diễn bằng làn điệu dân ca, ví, giặm chúng tôi biểu diễn xong vẫn được người dân yêu cầu diễn lại. Đó cũng là động lực để chúng tôi gắn bó với câu lạc bộ từ ngày ấy đến tận bây giờ,” anh Phạm Thế Lâm, thành viên Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Đông Hiếu bày tỏ.

Điều làm các thành viên câu lạc bộ thấy vui bởi câu lạc bộ không chỉ biểu diễn, đưa dân ca ví, giặm xứ Nghệ đến gần hơn, trở nên quen thuộc hơn với đời sống tinh thần của bà con trong vùng mà còn phát hiện và truyền dạy cho lớp trẻ.

Bản thân nghệ nhân dân gian Trần Văn Hồng đã phát hiện, bồi dưỡng và truyền dạy cho hàng trăm em nhỏ tuổi biết hát và hát tốt các làn điệu dân ca.

Nhiều em nhỏ tuổi như em Hà Trang và Anh Tuấn mới chỉ học lớp 5 nhưng đã xử lý khéo léo các làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ, kể cả những câu hò có âm vực cao.

Câu lạc bộ đã tạo được tiếng vang sau nhiều hội thi, hội diễn trong vùng và cả trong khu vực. Từ ngày câu lạc bộ đi vào hoạt động, công tác văn hóa thông tin cơ sở, đời sống văn hóa tinh thần người dân trong xã, trong huyện được nâng lên. Đây cũng là yếu tố góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.

“Mới đây, UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này là động lực để mỗi thành viên trong câu lạc bộ cố gắng hết mình, gìn giữ và phát huy giá trị của dân ca ví, dặm. Thời gian tới, mỗi thành viên trong câu lạc bộ tiếp tục sưu tầm, chắt lọc, truyền khẩu để bảo tồn di sản văn hóa này bên cạnh sự chung tay góp sức, quan tâm, đầu tư của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương,” Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca xã Đông Hiếu đề nghị.

Việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Đông Hiếu đã và đang làm là điều thật đáng quý. Từ mô hình câu lạc bộ này, tỉnh Nghệ An đang tiến hành nhân rộng ra các địa phương khác để cùng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyến thống của dân tộc./. Bích Huệ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục