Tài nguyên đi đâu khi dân nghèo, nhà nước thất thu?

Trước tình trạng chảy máu tài nguyên, thất thu ngân sách, nhiều chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận nghiêm túc, minh bạch vấn đề quản trị tài nguyên. 
Tài nguyên đi đâu khi dân nghèo, nhà nước thất thu? ảnh 1Kết quả của việc khai thác khoáng sản trái phép tại Bắc Kạn 

Theo nhận định của Cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản (Tổng cục Địa chất-Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện Nhà nước vẫn chưa kiểm soát được sản lượng khai thác thực của doanh nghiệp (doanh nghiệp tự kê khai), dẫn đến khó kiểm soát nguồn thu thuế, phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, quy trình lập quy hoạch khoáng sản, nhất là việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý về khoáng sản với cơ quan thuế trong việc xác định sản lượng, khiến tình trạng thất thu ngân sách nhà nước đang là phổ biến.

Từ dẫn chứng câu chuyện nợ đọng thuế, cũng như những điểm "nhập nhèm" liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho thấy, đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc, minh bạch vấn đề quản trị tài nguyên. Cùng với đó, phải làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý sở tại.

“Người ăn ốc, kẻ đổ vỏ”

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng cho biết, tính đến tháng 5/2013, cả nước có 79 giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Trong khi đó, có tới 503 giấy phép khai thác khoáng sản do các cơ quan trung ương cấp còn đang hoạt động, chưa kể 4.200 giấy phép do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành cấp còn hiệu lực.

Theo ông Thanh, mặc dù trữ lượng khoáng sản và số lượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trong nước khá lớn, nhưng hiện mới có khoảng 30% doanh nghiệp chịu báo cáo định kỳ. Chính thực tế này đã khiến Nhà nước không thể kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp, dẫn tới khó kiểm soát nguồn thu ngân sách.

Trong khi đó, Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm1996, đến 2005 có sửa đổi bổ sung lần thứ nhất và tới 2010 bổ sung sửa đổi lần thứ 2, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua các văn bản hướng dẫn dưới luật vẫn chưa có. Vì thế các hoạt động vẫn tuân thủ theo luật năm 2005 là chủ yếu.

Chính vì vậy, theo vị Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản, công tác quản trị khoáng sản còn nhiều bất cập. Đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chưa có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản…

Ở một khía cạnh khác, ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy Ban kinh tế Quốc hội cho biết, sau khi khảo sát ở nhiều nơi khai thác khoáng sản, các đại biểu Quốc hội nhận thấy ở đâu có hoạt động khai thác khoáng sản thì ở đó môi trường bị tàn phá, hạ tầng yếu kém dần và đời sống người dân trở nên nghèo đói.

Theo ông Hùng, thời gian qua, trừ than đá và dầu khí có đóng góp lớn, hầu hết các khoáng sản khác không mang lại lợi ích cho người dân, ngược lại còn tàn phá thêm. Theo số liệu, các loại khoáng sản khai thác được có đóng góp rất thấp, chỉ chiếm mức 5% trong tổng số 11% tài nguyên khoáng sản đóng góp vào GDP hàng năm.

“Thực tế thì công tác quy hoạch khoáng sản đến giờ phút này chưa đạt mục tiêu, chưa khẳng định cụ thể được trữ lượng từng loại khoáng sản, chủ yếu là dự báo. Không có con số chính thức thì khó quy hoạch và quản trị được.

Quản trị tài nguyên khoáng sản phải mang lại lợi ích cho người dân, vậy nhưng dân vẫn nghèo thì tài nguyên đi đâu?” ông Hùng đặt câu hỏi.

Đưa ra bức tranh cụ thể hơn, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong chuyến làm việc tại Tuyên Quang, lãnh đạo tỉnh này chia sẻ có doanh nghiệp khai thác tại địa phương mỗi năm chỉ nộp ngân sách 5 tỷ đồng, nhưng con đường đi qua khu mỏ đó thì bị hỏng nặng.

“Điều đáng nói, thay vì doanh nghiệp tu sửa, tỉnh lại phải bỏ ra 30 tỷ đồng để sửa chữa. Và, cho đến nay, các hoạt động điều tra thăm dò cơ bản chưa tốt, cấp phép có vấn đề, quản lý giám sát bị buông lỏng gây tác động tiêu cực đến môi trường và hiệu quả kém,” ông Túc nhấn mạnh.

Tài nguyên đi đâu khi dân nghèo, nhà nước thất thu? ảnh 2Cảnh tượng tan hoang sau khi doanh nghiệp "rút" sạch tài nguyên

Cần minh bạch từ cấp cơ sở

Bình luận về thực trạng nêu trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng ở đây có vấn đề lợi ích nhóm. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp rất ít giấy phép khai thác khoáng sản, trong khi tại các địa phương lại cấp ồ ạt, thậm chí có nơi còn chia nhỏ mỏ để cấp thêm nhiều giấy phép.”

“Hơn nữa, hiện nay năng lực giám sát còn yếu, pháp luật chưa hoàn thiện đang làm cho tài nguyên chảy vào túi một nhóm người, trong khi người dân phải chịu ô nhiễm môi trường và đói nghèo vẫn gia tăng,” ông Doanh bức xúc.

Lưu ý đến quyền lợi của người dân vùng tài nguyên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Quốc hội nên xem xét và ủng hộ dự án quản trị tài nguyên, tránh việc khai thác khoáng sản thì người dân bị mất hết, mà phải hài hòa lợi ích của các nhóm. Đây cũng là cơ hội cho người dân biết và chia sẻ lợi ích một cách hợp lý.

“Phải đánh giá năng lực giám sát của chúng ta như thế nào? Trách nhiệm của chính quyền địa phương phải có quy định rõ ràng, cấp nào chịu trách nhiệm, cấp nào giám sát, nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch cũng như quá trình khai thác. Đã có những địa phương có báo cáo kết quả quản lý tốt, vậy chúng ta không nên cầu toàn mà nên đưa mô hình đó ra để xem xét, đánh giá”, ông Doanh nhìn nhận.

Đồng tình quan điểm trên, bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, để tránh thất thu khoáng sản, việc quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương phải đảm bảo thực hiện các đánh giá một cách liên tục và đầy đủ nhằm điều chỉnh các chiến lược chính sách cho phù hợp.

Ở một khía cạnh khác, theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), có 2 điểm yếu kém trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đó là luật pháp chưa hoàn chỉnh và giám sát quá yếu kém.

Và vì vậy, Thiếu tướng Lê Văn Cương đề nghị phải “mổ xẻ” đến cùng việc giám sát, quản lý tài nguyên đối với các doanh nghiệp. Cùng với đó, Nhà nước cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp địa phương trong việc ban hành các văn bản liên quan, cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia khai khoáng.

“Vì sao những năm qua mới chỉ có 30-40% doanh nghiệp báo cáo định kỳ khai thác, số còn lại xử lý như thế nào? Tại sao lại buông lỏng như vậy? Tôi nghĩ để quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, hài hòa lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp thì chúng ta cần phải truy đến cùng vấn đề này,” ông Cương kiến nghị.


Từ những trăn trở nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng để nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản, Bộ sẽ đề xuất xây dựng, ban hành các quy định hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản, đặc biệt quan tâm tới công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; kiên quyết xử lý và kiến nghị với những địa phương và tổ chức, cá nhân doanh nghiệp có hành vi cố tình vi phạm pháp luật về khoáng sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục