Tân Tổng thống Liban cam kết nhổ tận gốc nạn tham nhũng

Một trong những mục tiêu hàng đầu của chính phủ mới tại Liban là "nhổ tận gốc" vấn nạn tham nhũng và thúc đẩy các nỗ lực tái thiết đất nước.
Tân Tổng thống Liban cam kết nhổ tận gốc nạn tham nhũng ảnh 1Tân Tổng thống Michel Aoun tuyên thệ nhậm chức tại Beirut ngày 31/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Một trong những mục tiêu hàng đầu của chính phủ mới tại Liban là "nhổ tận gốc" vấn nạn tham nhũng và thúc đẩy các nỗ lực tái thiết đất nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu ngày 6/11 trước hàng nghìn người ủng hộ tập trung trước Phủ Tổng thống ở thủ đô Beirut, Tổng thống Liban vừa được bầu Michel Aoun​ nhấn mạnh một quốc gia mạnh cần có một chính phủ mạnh để điều hành đất nước và vấn nạn tham nhũng cần phải bị loại bỏ.

Ông Aoun (81 tuổi), cựu tướng quân đội đồng thời là thủ lĩnh của Phong trào Yêu nước tự do, đã được Quốc hội Liban bầu làm tổng thống thứ 13 của nước này hồi đầu tuần trước, khép lại cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 2 năm rưỡi qua tại quốc gia Trung Đông này.

Sau khi ông Aoun được bầu làm tổng thống, theo một thỏa thuận chính trị giữa các phe phái ở Liban, cựu Thủ tướng Sa’ad Hariri​ cũng đã được chỉ định làm thủ tướng.

Những diễn biến mới nhất trên chính trường Liban cho thấy các đảng chính trị ở nước này đã có những nhượng bộ lớn để chung sức ổn định tình hình đất nước.

Ngày 5/11, tân Thủ tướng Hariri đã hoàn tất các cuộc đàm phán về tiến trình thành lập chính phủ mới sau các cuộc thương lượng căng thăng kéo dài hai ngày với các đảng chính trị tại Liban.

Việc Quốc hội Liban bầu chọn được tổng thống đã chấm dứt 29 tháng vị trí này để trống do các phe phái chính bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là các lực lượng được Mỹ và Saudi Arabia ủng hộ, phản đối chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad​ ở nước Syria láng giềng và phong trào Hezbollah; với một bên là các lực lượng do Hezbollah đứng đầu, được chính quyền Syria và Iran hậu thuẫn.

Liban đã không có người đứng đầu đất nước kể từ ngày 25/5/2014 khi Tổng thống Michel Suleiman​ kết thúc nhiệm kỳ mà không tìm được người kế nhiệm.

Từ đó đến nay, Quốc hội Liban đã triệu tập nhiều cuộc họp song vẫn không bầu được tổng thống mới do không triệu tập đủ nghị sỹ cần thiết.

Cuộc khủng hoảng đã khiến chính phủ bị tê liệt, nhiều dịch vụ cơ bản bị ngừng trệ và nguy cơ nội chiến tái diễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục