Tạo nhiều sản phẩm du lịch sức khỏe đẳng cấp cho du lịch Cố đô Huế

Dựa trên tiềm năng như nguồn suối khoáng nóng, hệ thống cây dược liệu dồi dào được đề cập trong bài 1, nhiều sản phẩm, dịch vụ liên kết chăm sóc sức khỏe chất lượng được tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng.
Tạo nhiều sản phẩm du lịch sức khỏe đẳng cấp cho du lịch Cố đô Huế ảnh 1Bệnh nhân người Lào được chăm sóc, điều trị tận tình tại Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mới bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đã được tỉnh Thừa Thiên-Huế quan tâm phát triển.

Tận dụng các lợi thế cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, ngành du lịch địa phương đang triển khai, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ liên kết chăm sóc sức khỏe chất lượng hướng đến đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng cao, từ đó, tạo nên sự khác biệt, đẳng cấp cho ngành du lịch Cố đô Huế.

Dù là một lĩnh vực mới, một số cơ sở y tế, lưu trú trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe hấp dẫn để lại dấu ấn ban đầu và nhận được phản hồi tích cực từ bộ phận du khách.

Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như yoga, bấm huyệt, nắn xương khớp, thủy trị liệu, massage, tắm hơi… đã không còn xa lạ ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn tại Thừa Thiên-Huế. Hầu hết các liệu pháp này được xây dựng dựa trên những tiềm năng riêng có của địa phương như nguồn suối khoáng nóng, hệ thống cây dược liệu dồi dào.

Nhiều sản phẩm hấp dẫn

Nhằm đón đầu xu hướng du lịch mới, Bệnh viện Trung ương Huế và Sở Du lịch tỉnh đã hợp tác xây dựng các chương trình kết hợp chăm sóc sức khỏe với du lịch cho du khách. Với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị y tế hiện đại, chi phí hợp lý…, lượng du khách từ trong, ngoài nước đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) đang có xu hướng tăng qua các năm.

Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế phục vụ người dân hoặc du khách đang lưu trú trên địa bàn tỉnh các dịch vụ khám tổng quát, sàng lọc, phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm để điều trị kịp thời.

Đặc biệt, với ba đơn vị là Nha khoa thẩm mỹ, Nội khoa thẩm mỹ và Phẫu thuật thẩm mỹ, Trung tâm còn có thể đáp ứng được những yêu cầu cao hơn về chăm sóc sắc đẹp của người dân, du khách.

Bảo hiểm và viện phí là vấn đề được du khách nước ngoài cũng như Việt kiều hết sức quan tâm khi khám, chữa bệnh ở Việt Nam. Do đó, là đối tác tin cậy của trên 20 đơn vị bảo hiểm, Trung tâm hỗ trợ chính sách bảo lãnh viện phí với thủ tục thuận tiện sẽ tạo sự thuận tiện, an tâm đối với nhóm đối tượng nói trên.

[Xây dựng thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên-Huế]

Ngay khi không được bảo lãnh trực tiếp, du khách vẫn được chăm sóc, hưởng các dịch vụ cũng như hỗ trợ hồ sơ thủ tục bảo lãnh.

Bệnh nhân Boualaphan (46 tuổi, tỉnh Savannakhet, Lào) chia sẻ bà rất hài lòng về sự tận tình, chu đáo của các cán bộ điều dưỡng, bác sỹ tại Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế; đồng thời ấm lòng vì được tôn trọng, đối xử tốt như người bản địa trong suốt thời gian nằm cấp cứu, điều trị.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Hỷ, Giám đốc Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế, các gói khám cơ bản đến nâng cao tại đơn vị không chỉ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân mà còn giải quyết được xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe của du khách.

Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp các công ty lữ hành xây dựng chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trong thời gian du khách lưu trú tại Huế để mang đến sự an tâm, hài lòng cho họ mỗi khi đến vùng đất thơ mộng này.

Tạo nhiều sản phẩm du lịch sức khỏe đẳng cấp cho du lịch Cố đô Huế ảnh 2Khu nghỉ dưỡng suối khoáng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe cũng được quan tâm triển khai tại các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng ở Thừa Thiên-Huế. Trong đó, Khu nghỉ dưỡng Mỹ An Onsen Resort (thành phố Huế) khai thác nguồn khoáng nóng thiên nhiên ban tặng kết hợp phong cách, văn hóa Omotenashi đặc trưng Nhật Bản mang đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần tốt nhất cho du khách.

Hòa mình với thiên nhiên xinh đẹp ven thành phố Huế, du khách đến khu nghỉ dưỡng này có thể trải nghiệm nhiều liệu pháp chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian lưu trú như ngâm tắm Onsen chuẩn Nhật Bản 9 bước, xông hơi Ganban, ngâm tắm thảo dược, ngâm tắm bùn khoáng nóng, spa với phương pháp ấn huyệt và trị liệu thảo dược đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.

Những liệu pháp này mang lại nhiều lợi ích, giúp giải tỏa căng thẳng, phục hồi mệt mỏi, cải thiện sắc đẹp, điều hòa tim mạch… rất phù hợp với xu hướng du lịch kết hợp tận hưởng, tái tạo cơ thể.

Ông Sato Ikuo, Phó Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng Mỹ An Onsen Resort cho biết, suối khoáng nóng Mỹ An được phát hiện từ năm 1979, với nhiệt độ khai thác lộ thiên 52 độ C và nhiệt độ tại bể là 42 độ C, chứa nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe cơ thể, nổi bật là hàm lượng lưu huỳnh cao lên tới 64,5mg/l.

Phong cách và văn hóa Omotenashi đặc trưng của Nhật Bản, phục vụ du khách bằng cả trái tim được vận hành tại khu nghỉ đường, hướng đến chăm sóc, hỗ trợ những gì tốt đẹp nhất đến du khách.

Ngoài ra, phương pháp điều trị bệnh bằng Đông y cổ truyền được sử dụng dưới triều Nguyễn đến nay vẫn được lưu giữ, phát triển tại Đại Nam Thái Y Viện, thành phố Huế. Đây là một đặc trưng riêng có của Cố đô Huế mà du khách có thể trải nghiệm mỗi khi đặt chân đến vùng đất này.

Hợp tác để bứt phá

Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo lại lựa chọn Thừa Thiên-Huế là nơi gắn bó lâu dài. Theo bà Thảo, Huế là một viện điều dưỡng thiên nhiên, vùng đất hội tụ nhiều yếu tố về văn hóa, giáo dục và tâm linh.

“Chỉ với 30 phút chạy xe, tôi đã có thể thưởng ngoạn phong cảnh xinh đẹp của Huế với sông núi, bờ biển trải dài, đầm phá mà ở những đất nước khác phải mất vài ngày để di chuyển. Nhưng điều “giữ” chân tôi ở lại Huế chính là sự phát triển của ngành y tế địa phương. Chỉ trong thời gian ngắn, tôi có thể đến được phòng cấp cứu, điều trị chăm sóc với dịch vụ thăm khám chất lượng cao không thua kém bất cứ nơi nào” - bà Thảo chia sẻ.

Tạo nhiều sản phẩm du lịch sức khỏe đẳng cấp cho du lịch Cố đô Huế ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: Alba Wellness Resort)

Nhìn chung, Thừa Thiên-Huế là nơi lý tưởng để du khách đặt chân đến du lịch, tham quan và tận hưởng cuộc sống. Các sản phẩm du lịch cũng như chăm sóc sức khỏe của địa phương khá đa dạng.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng quan trong “bức tranh” chung của du lịch Cố đô, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được địa phương phát huy hết những thế mạnh đang nắm giữ. Tỷ lệ du khách đến Thừa Thiên-Huế lựa chọn loại hình du lịch này chưa đáng kể.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho hay các công ty lữ hành thường thiết kế riêng các chương trình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đối với khách du lịch có nhu cầu mà chưa có chương trình kết hợp chăm sóc sức khỏe khởi hành thường xuyên. Các sản phẩm cần sự liên kết hơn nữa giữa các công ty lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, trị liệu, spa, massage… để tạo ra chương trình du lịch chăm sóc, khám, chữa bệnh bài bản.

Nhận thấy được điều đó, vừa qua, Bệnh viện Trung ương Huế đã ký hợp tác với Công ty Cổ phần dịch vụ chăm sóc khách hàng VIP (trụ sở tại Hà Nội) nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp cho các du khách đến Thừa Thiên-Huế. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp đến địa phương sẽ được giới thiệu, sử dụng các dịch vụ chuyên sâu, cao cấp là thế mạnh của Bệnh viện cũng như giúp họ có được trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế nội trú, ngoại trú và tại nhà.

Việc ký kết hợp tác này không chỉ là hành động “bắt tay” cùng có lợi giữa hai bên mà còn tạo nên sự bứt phá để du khách ngày càng biết đến nhiều hơn thế mạnh y học của Bệnh viện Trung ương Huế cũng như tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, xây nên thương hiệu vững chắc cho ngành du lịch, chăm sóc sức khỏe của Cố đô.

Phát triển được loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đó là định hình lại thị trường du lịch trong bối cảnh mới; tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách hàng; nâng cao tay nghề cho đội ngũ chuyên môn; nâng tầm chuyên môn hóa và công nghiệp của ngành dịch vụ. Từ đó, tăng nguồn thu bền vững và nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể chung của nền kinh tế địa phương./.

Bài 1: Tạo thế mạnh cạnh tranh, phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục