Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe: Tăng sức hút với du khách

Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe hiệu quả góp phần đa dạng hóa sản phẩm gắn với sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, nâng cao sức hấp dẫn cho điểm đến, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe: Tăng sức hút với du khách ảnh 1Du khách nghỉ dưỡng kết hợp thiền, yoga ven biển Côn Đảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dư địa lớn, nhu cầu du khách ngày càng tăng, thị trường để phát triển sản phẩm khá dồi dào, song tại nhiều địa phương, các sản phẩm du lịch sức khỏe chưa được khai thác, phát triển xứng tầm, chưa thực sự tạo nét khác biệt, sức hút đối với du khách.

Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ hơn, tích cực đổi mới, nâng tầm sản phẩm, tạo sức hấp dẫn cho loại hình du lịch nhiều tiềm năng.

Nâng chất dịch vụ, sản phẩm

Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe hiệu quả góp phần đa dạng hóa sản phẩm gắn với sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, nâng cao sức hấp dẫn cho điểm đến, đáp ứng ngày càng tốt hơn xu hướng, nhu cầu của du khách.

Vì vậy, một trong những giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, nâng sức cạnh tranh cho điểm đến, theo một số chuyên gia, du lịch Việt Nam nói chung, từng địa phương nói riêng cần phát triển sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế.

Việc phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cần đáp ứng các nguyên tắc tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe theo hướng phát huy thế mạnh của tài nguyên du lịch từng địa phương, đồng thời tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, tạo chuỗi giá trị, dịch vụ liên hoàn, nâng tầm cho sản phẩm giới thiệu đến du khách.

[Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam: Dư địa lớn]

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) khẳng định, du lịch Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe với những phương thuốc chữa bệnh đông y truyền thống, tài nguyên tự nhiên (hệ thống suối khoáng nóng, cảnh quan thiên nhiên), tài nguyên văn hóa-xã hội.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có các cơ sở chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn cũng là thế mạnh. Các điểm đến như Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh…thu hút đáng kể khách du lịch đến với mục đích chăm sóc sức khỏe hay chữa bệnh. Tuy nhiên, trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới, du lịch chăm sóc sức khỏe của chúng ta còn khá khiêm tốn.

Do đó, để phát triển thị trường, loại hình du lịch đầy tiềm năng này, ngành du lịch Việt Nam cần cải thiện chất lượng hệ thống dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe sẵn có, đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn sức khỏe cho khách du lịch.

Đồng thời, ngành xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp từng phân khúc thị trường khách như theo độ tuổi, nền văn hóa, tạo được nét đặc thù của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Từ góc độ công ty dịch vụ lữ hành, bà Triệu Thị Hòa, Công ty du lịch lữ hành PYS đề xuất, đơn vị chức năng cần có định hướng, quy hoạch cụ thể để sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phát triển hiệu quả, lâu dài và bền vững. Trong đó, quản lý chất lượng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn có thẩm quyền trong việc thẩm định chất lượng kỹ thuật các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo yêu cầu phát triển du lịch bền vững.

Đề cập giải pháp cụ thể nhằm phát triển sản phẩm du lịch sức khỏe ở địa phương có nhiều tiềm năng là Bà Rịa-Vũng Tàu, Thạc sỹ Phạm Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) gợi mở địa phương nên phát triển mạnh tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe như tour du lịch thiền-yoga tại nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh...

Tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng các hạng mục công trình nghỉ dưỡng được xây dựng như khu tắm khoáng nóng, khu giếng trời, khu tắm bùn khoáng. Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển đa dạng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe bổ trợ cho sản phẩm đặc trưng vốn có của địa phương là tắm biển, tổ chức hoạt động sử dụng thực phẩm lành mạnh và hữu cơ, xông hơi, nghỉ mát, tắm suối nước nóng... kết hợp các loại hình bổ trợ làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách khi tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Các doanh nghiệp, đơn vị chức năng tăng cường xây dựng và triển khai chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe trọn gói, thực hiện chiến dịch tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch chăm sóc sức khỏe tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tăng cường quảng bá

Quan tâm giải pháp quảng bá, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, nhiều nhà quản lý, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp dịch vụ, du lịch đều cho rằng, cần tăng cường quảng bá về loại hình du lịch này bằng nhiều phương thức như xây dựng trang web, ấn phẩm du lịch, báo chí, truyền hình, internet, mạng xã hội, chú trọng đến thị trường mục tiêu.

Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe: Tăng sức hút với du khách ảnh 2Khu nghỉ dưỡng suối khoáng tiêu chuẩn Nhật Bản tại Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngành du lịch tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chương trình tour du lịch tại các hội chợ, triển lãm du lịch ở nước ngoài, quay phim quảng cáo loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc và nâng cao sức khỏe, đăng tải trên youtube để quảng bá tới du khách quốc tế.

Liên quan đến giải pháp tăng cường quảng bá, tạo sự lan tỏa cho điểm đến, trong đó có những sản phẩm du lịch sức khỏe tại Bình Thuận - địa phương cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ với vùng Đông Nam Bộ, vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận phát động Cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị) và Wellness (du lịch chăm sóc sức khỏe) hàng đầu thế giới năm 2045.”

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân, cuộc thi không chỉ tạo điểm nhấn hướng tới Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - hội tụ xanh” mà còn góp phần quảng bá, tăng sức lan tỏa, thu hút những sáng kiến, ý tưởng xuất sắc trong phát triển sản phẩm du lịch kết hợp sự kiện, du lịch chăm sóc sức khỏe tại thành phố Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung.

Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch "xanh" gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng, biển, đồi cát và đặc biệt quan tâm khai thác loại hình du lịch mới, đó là loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Địa phương tăng cường quảng bá, phát triển và giới thiệu sản phẩm du lịch hướng đến chăm sóc sức khỏe cho du khách với những điểm đến nổi tiếng như Mũi Né-Phan Thiết, đảo Phú Quý. Tại đây có hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng biển, có những bãi cát mịn, không gian tập dưỡng sinh trước biển rộng rãi, làn nước trong xanh, không khí trong lành rất phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng.

Địa hình tự nhiên của Bình Thuận vừa có núi vừa có biển rất phù hợp với du khách ưa thích loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp với hoạt động thể dục, thể thao giảm cân, nâng cao thể lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục